6 nguy cơ khủng bố quốc tế ở Việt Nam

 

6 nguy cơ khủng bố quốc tế ở Việt Nam (vnexpress.net)

Bộ Công an cho rằng ở Việt Nam chưa có tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động nhưng đã phát hiện âm mưu nhằm vào công dân ở nước ngoài hoặc dùng Việt Nam làm nơi ẩn náu.

Thông tin trên được đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng An ninh nội địa, nói trong Hội thảo Hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố do Bộ Công an tổ chức, chiều 23/2.

Cục An ninh nội địa cho biết trong những năm tới có 6 nguy cơ khủng bố quốc tế hiện hữu ở nước ta. Thứ nhất, trước sự càn quét của lực lượng chức năng các nước, không loại trừ việc một số tổ chức, cá nhân chọn Việt Nam làm nơi ẩn náu hoặc địa điểm trung chuyển đi nước thứ ba.

Thứ hai là hoạt động tuyên truyền tư tưởng hồi giáo cực đoan, truyền bá nội dung cách hướng dẫn chế tạo vũ khí, bom mìn, kêu gọi tài trợ, tuyển lựa thành viên qua các nền tảng mạng xã hội.

"Hoạt động buôn bán, sử dụng tàng trữ trái phép vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiền chất nổ dẫn tới hình thành các đường dây vận chuyển về Việt Nam với số lượng lớn. Đây là điều kiện cho những kẻ khủng bố lợi dụng để trang bị vũ khí, chế tạo thuốc nổ về Việt Nam", đại diện Cục An ninh nội địa nói về nguy cơ thứ ba.

Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng An ninh nội địa phát biểu ngày 23/2. Ảnh: Gia Chính

Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng An ninh nội địa phát biểu ngày 23/2. Ảnh: Gia Chính

Việt Nam cho rằng dù chưa phát hiện sự tồn tại của các tổ chức khủng bố quốc tế nhưng một số cơ sở của tổ chức phản động lưu vong người Việt như "Việt Tân", "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", "Triều đại Việt" luôn tìm cách chống phá. Vì thế nguy cơ thứ tư là không loại trừ khả năng những tổ chức này hợp tác với khủng bố quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam nhằm âm mưu ý đồ hoạt động.

Nguy cơ thứ năm đến từ số người Việt gia nhập tổ chức khủng bố quốc tế. Lực lượng an ninh Việt Nam đã phát hiện ba người nước ngoài gốc Việt Nam gia nhập các tổ chức khủng bố quốc tế. Đáng chú ý có người từng trở về, có thân nhân sinh sống ở Việt Nam.

"Ngoài ra, hiện có hàng chục nghìn người Việt Nam ở những khu vực có tổ chức khủng bố hoạt động mạnh như Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á. Không loại trừ khả năng một số người này được các tổ chức khủng bố tuyển lựa và trở về Việt Nam thực hiện khủng bố", đại tá Dũng nói thêm.

Cuối cùng, những kẻ nghi vấn tài trợ khủng bố có liên quan các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, phù hợp với phương thức kêu gọi quyên tiền của các tổ chức hồi giáo cực đoan trên thế giới hiện nay.

Đại diện Văn phòng cảnh sát Liên bang Úc nói tại hội thảo. Ảnh: Gia Chính

Đại diện Văn phòng cảnh sát Liên bang Australia nói tại hội thảo. Ảnh: Gia Chính

Ông Bevan Moroney, Đại diện Văn phòng cảnh sát Liên bang Australia cho rằng mặc dù Việt Nam chưa có sự xuất hiện của các tổ chức quốc tế nhưng cũng không thể đứng ngoài việc hợp tác chống khủng bố, vì đây là cách duy nhất để hoạt động chống khủng bố có hiệu quả.

"Các quốc gia cần có phương hướng tiến cận mới đó là chủ động chia sẻ những thông tin tình báo mà mình có được, đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh của mỗi quốc gia", ông Bevan Moroney nêu quan điểm.

Thượng tướng Lương Tam Quang nói tại hội thảo. Ảnh: Gia Chính

Thượng tướng Lương Tam Quang nói tại hội thảo. Ảnh: Gia Chính

Đồng tình với quan điểm trên, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng từ thực tiễn phòng chống khủng bố cho thấy, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể phòng, chống khủng bố đạt hiệu quả mà thiếu sự hợp tác quốc tế.

Gia Chính

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement