Một số vấn đề về chủ trương, đối sách giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông của Đảng và Nhà nước ta
Những năm gần đây, tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường nhất là từ khi Trung Quốc công khai khẳng định chủ quyền theo “đường lưỡi bò” phi lý của họ
Một số vấn đề về chủ trương, đối sách giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông của Đảng và Nhà nước ta
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn
(Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn,
Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng)
Những năm gần đây, tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường nhất là từ khi Trung Quốc công khai khẳng định chủ quyền theo “đường lưỡi bò” phi lý của họ và bằng nhiều hoạt động như đẩy mạnh việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu...; ồ ạt đưa ngư dân ra đánh cá có tổ chức trên Biển Đông, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước; tuyên bố thành lập Thành phố Tam Sa cùng việc thành lập Bộ chỉ huy đặc khu Tam Sa; dùng lực lượng hải quân ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá tại bãi cạn Scarborough và sau đó chiếm giữ bãi cạn này; đưa lực lượng, phương tiện ra tổ chức bồi đắp trái phép các bãi ngầm họ chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự và đẩy mạnh việc quân sự hóa Biển Đông bằng việc nâng cấp, biến các đảo, bãi ngầm mà họ chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành những căn cứ quân sự mạnh; đặc biệt, năm 2014, họ đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt, thăm dò vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... làm cho tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng nóng lên, nguy cơ có thể xảy ra xung đột vũ trang, làm cả khu vực và thế giới hết sức quan tâm lo lắng.
Trước tình hình phức tạp nêu trên, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết khôn khéo, linh hoạt, nhạy bén, kịp thời và kiên quyết nên đã giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo (từ sau tháng 4 năm 1988 đến nay chúng ta không để mất một đảo nổi, một bãi ngầm, không để nước ngoài hạ đặt một giàn khoan, dựng một nhà giàn trái phép trên vùng biển chủ quyền mà Việt Nam đang quản lý và bảo vệ). Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả cao, lại bị các thế lực thù địch lợi dụng sự thiếu thông tin của đồng bào ta, đã đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội, Internet... làm cho một bộ phận nhân dân cho rằng Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã để nước ngoài xâm chiếm biển, đảo của Tổ quốc; từ đó xuyên tạc rằng Đảng và Nhà nước ta nhu nhược không có biện pháp, đối sách đúng đắn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo... gây hoang mang, hoài nghi, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Để làm rõ các vấn đề trên, với bài viết này chúng tôi muốn làm rõ mục tiêu, chủ trương, đối sách đúng đắn và phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông của Đảng và Nhà nước ta.
1. Mục tiêu
Trên cơ sở mục tiêu hàng đầu trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia ...” thì mục tiêu đầu tiên trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo là “Kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Đây là mục tiêu hàng đầu, tối thượng. Đã nói đến chủ quyền là thiêng liêng, là không thỏa hiệp, nhân nhượng; các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải xác định: kiên quyết bảo vệ không để mất một đảo nổi, một bãi ngầm, không để nước ngoài hạ đặt một giàn khoan, dựng một nhà giàn trái phép nào trong vùng biển chủ quyền mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho quản lý.
Cùng với mục tiêu trên, chúng ta phải kiên trì đấu tranh giữ vững hòa bình khu vực, giữ vững mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng có tranh chấp nhằm tranh thủ điều kiện hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, dân tộc ta hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, song không phải bảo vệ hòa bình bằng mọi giá; chúng ta cần hòa bình để phát triển đất nước nhưng cũng biết giá trị của độc lập chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đây là mục tiêu phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với nhu cầu của tất cả các nước trong khu vực và phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó, cũng chưa bao giờ mục tiêu đấu tranh bảo vệ hòa bình trong khu vực lại được các nước trong khu vực (kể cả Trung Quốc) đồng thuận cao như hiện nay. Chúng ta giương cao ngọn cờ HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ là chúng ta giương cao ngọn cờ chính nghĩa, là điều kiện để chúng ta huy động, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh đoàn kết quốc tế để bảo vệ Tổ quốc.
2. Chủ trương
Giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo với các nước liên quan bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, mà trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Việt Nam phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Đồng thời chúng ta cũng giành cho mình quyền tự vệ chính đáng, bằng tất cả sức mạnh của dân tộc, kết hợp với sự ủng hộ của quốc tế để giáng trả bất cứ thế lực nào sử dụng sức mạnh vũ lực để xâm chiếm biển, đảo của Việt Nam; bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tố quốc.
Vậy, vì sao Đảng và Nhà nước chúng ta lại chủ trương giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình? Vì mấy lý do sau đây:
1) Vì chủ trương này phù hợp với xu thế thời đại (đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển), phù hợp với luật pháp quốc tế (quy định các nước giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình và Liên hợp quốc cũng đã thành lập bốn cơ quan pháp lý (tòa) chuyên giải quyết các tranh chấp biển, đảo giữa các nước); đồng thời cũng phù hợp với nhu cầu mong muốn, đòi hỏi của các nước trong khu vực. Từ đó, nước nào đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực sẽ bị cô lập trong khu vực và trên toàn thế giới.
2) Vì chủ trương này phù hợp với truyền thống hòa hiếu của dân tộc ta trong lịch sử. Chúng ta đều biết trong quan hệ với các nước láng giềng, ông cha ta đã rất khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt, nhưng cũng rất kiên định khi giải quyết mối quan hệ về độc lập, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Trong điều kiện luôn phải chống trả sự nhòm ngó, đe dọa và xâm lược của nước láng giềng phương Bắc, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chủ động bày tỏ tinh thần hữu nghị, và mong muốn chung sống hòa bình... Chỉ khi không thể giữ vững hòa bình được, dân tộc ta buộc phải cầm vũ khí giáng trả (kiên trì giữ vững hòa bình cũng chính là chúng ta đã cố gắng giữ cho dây cung căng lên hết cỡ và đến khi buộc phải đánh trả thì sức mạnh dồn nén của dây cung tạo ra sức bật mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh đánh bại mọi kẻ thù xâm lược), chính vì vậy mà, bao nhiêu triều đại phong kiến phương Bắc đã phải thất bại nhục nhã khi xâm phạm bờ cõi nước ta. Song, sau mỗi chiến thắng ông cha ta luôn đặt vấn đề hòa hiếu cùng phương Bắc. Thắng mà cầu hòa chỉ có ở Việt Nam và đó là truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc ta.
3) Vì thực tiễn giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa nước ta với các nước láng giềng cũng đã thành công trong nhiều vấn đề. Chỉ riêng với Trung Quốc, sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại ba mâu thuẫn lớn: Một là tranh chấp biên giới lãnh thổ trên đất liền; Hai là tranh chấp chủ quyền trên vịnh Bắc Bộ; Ba là tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông. Từ đó đến nay, hai nước đã thông qua biện pháp hòa bình, bằng cách hiệp thương, trao đổi thẳng thắn, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực tế lịch sử, tôn trọng chủ quyền của nhau, từng bước đã giải quyết thành công hai mâu thuẫn lớn. Đó là: năm 2000 Việt Nam và Trung Quốc ký kết Hiệp định phân chia ranh giới trên Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam quản lý hơn 50%, Trung Quốc quản lý hơn 49% diện tích biển trên Vịnh Bắc Bộ; năm 2008, hai nước đã ký kết Hiệp định hoàn thành phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, với chiều dài hơn 1.400 km. Đây là thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước ta thay mặt cho dân tộc Việt Nam ký với Nhà nước Trung Quốc hiệp định phân định rõ ràng đâu là lãnh thổ Việt Nam, đâu là lãnh thổ Trung Quốc.
Từ những vấn đề nêu trên, chúng ta mong các nước láng giềng, mà trước hết là Trung Quốc, hãy vì đại cục, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thực tế lịch sử; chung tay giải quyết các mâu thuẫn trong tranh chấp chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình.
3. Biện pháp
Chủ trương giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình của Đảng, đã được Nhà nước Việt Nam thể chế hóa trong Luật Biển Việt Nam năm 2012. Điều 4, khoản 3 của Luật Biển Việt Nam đã ghi rõ: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”.
Các biện pháp hòa bình bao gồm các biện pháp chủ yếu sau:
1) Biện pháp đấu tranh chính trị: Đây là biện pháp hết sức quan trọng, do lãnh đạo cấp cao của hai nước trao đổi, bàn bạc trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế và truyền thống quan hệ hữu nghị của hai nước... Nếu lãnh đạo cấp cao còn gặp nhau thì khả năng giải quyết bằng biện pháp hòa bình còn có thể thành công, khu vực còn hòa bình, ổn định.
2) Biện pháp đấu tranh ngoại giao: Đây là biện pháp đấu tranh thường xuyên liên tục, tùy theo tình hình cụ thể mà có các phương pháp tiến hành khác nhau (từ thấp đến cao). Biện pháp này vừa hỗ trợ cho biện pháp đấu tranh chính trị, vừa trực tiếp giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh.
3) Biện pháp đấu tranh pháp lý: Trên cơ sở luật pháp quốc tế mà trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), chúng ta sẽ đấu tranh để các bên thừa nhận tính phù hợp của luật pháp quốc tế và cùng nhau bàn bạc giải quyết các tranh chấp. Đồng thời, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng chủ trương chuẩn bị khi có điều kiện sẽ đưa tranh chấp ra Tòa án quốc tế để phân xử, song phải chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, chặt chẽ, quyết thắng. Lúc đó chúng ta sẽ khởi kiện khi các biện pháp khác không đạt kết quả.
4) Biện pháp đấu tranh bằng phương tiện truyền thông và dư luận xã hội trong nước và quốc tế: Đây là biện pháp cần thiết vừa để tạo nên nhận thức đúng đắn trong nước và quốc tế về tính chính nghĩa, về cơ sở pháp lý của chúng ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và trong giải quyết tranh chấp; vừa tạo sự đoàn kết thống nhất trong nước, vừa huy động sự ủng hộ, đoàn kết quốc tế; chống lại mọi sự xuyên tạc, bóp méo sự thật làm phức tạp thêm tình hình và gây bất ổn trong khu vực. Những năm vừa qua hệ thống truyền thông trong nước đã đóng góp hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền biển đảo; công tác tuyên truyền miệng cũng đạt được những kết quả tích cực, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhất là công tác tuyên truyền biển đảo đối ngoại.
5) Biện pháp đấu tranh hòa bình ngoài thực địa: Đây là biện pháp quan trọng, trực tiếp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các đơn vị phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và lực lượng tham gia trực tiếp đấu tranh trên biển phải nắm vững luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam và tinh thần kiên trì giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp trên thực địa bằng các biện pháp hòa bình, đó là đẩy mạnh công tác vận động thuyết phục, dùng hành động chính nghĩa đẩy lùi sự hung hăng, bạo lực, phải thấm nhuần tư tưởng “lấy trí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn”. Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không mắc mưu, không khiêu khích để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, không để nước ngoại lợi dụng, tạo cớ gây ra xung đột vũ trang.
Ngoài năm biện pháp nêu trên, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta luôn đề cao cảnh giác, nhanh chóng, kịp thời phát hiện mọi mưu toan của nước ngoài đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền biển, đảo của nước ta. Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng tất cả sức mạnh của một dân tộc yêu hòa bình nhưng cũng biết cách bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, không cho bất cứ thế lực nào dám xâm phạm, chia cắt đất nước.
Tóm lại, với chủ trương đúng đắn, với những biện pháp phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với luật pháp quốc tế, chưa bao giờ thế và lực của đất nước ta mạnh như hiện nay. Ý thức sâu sắc trách nhiệm trước dân tộc, trách nhiệm trước cộng đồng khu vực và quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung sẽ thành công tốt đẹp. Chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc vùng biển đảo, chủ quyền mà chúng ta đang quản lý.
0 Nhận xét