An ninh con người gắn với đảm bảo quyền con người

 

Những thành tựu về phát triển đời sống người dân, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam ngày càng được thế giới công nhận, đánh giá cao. Tiếp nối nhất quán quan điểm của Đảng về mục tiêu phát triển con người, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh yếu tố “an ninh con người”, thể hiện quan điểm, tư duy mới trong đảm bảo an ninh quốc gia, vừa đảm bảo các quyền con người vừa mang lại môi trường, cuộc sống an toàn cho mọi người dân.

Chú thích ảnh
Quang cảnh khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội, sáng 26/1/2021. Ảnh: TTXVN

Trong số 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, Nghị quyết Đại hội  XIII của Đảng có hai định hướng đề cập “an ninh con người”, cụ thể: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh...” và “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…”.

Đại hội XIII xác định bảo vệ an ninh con người là bảo vệ an ninh quốc gia, coi an ninh con người là một bộ phận của an ninh quốc gia. Đại hội đã đưa ra nhận thức mới về an ninh quốc gia một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống.

Theo đó, an ninh quốc gia bao gồm: An ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh biên giới, biển, đảo, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh kết nối, an ninh mạng, an ninh doanh nghiệp, an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh dân cư, an ninh dân số, an ninh cơ sở dữ liệu, an ninh môi trường, an ninh con người…

Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia là mối quan hệ thống nhất biện chứng hữu cơ với nhau. Bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ an ninh con người, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Đồng thời, với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người dân có quyền được bảo đảm an ninh quốc gia để bảo đảm và thực hiện các quyền không thể thiếu về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh lãnh thổ. Bảo đảm an ninh quốc gia là trách nhiệm quan trọng nhất của quốc gia, cũng chính là nhằm bảo đảm an ninh con người.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an tại Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”.

Những quan điểm này đã phản bác lại một số luận điệu muốn tách an ninh con người khỏi an ninh quốc gia, đặt an ninh con người trên an ninh quốc gia, từ đó lấy cớ nhân quyền, dân chủ để thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, vu cáo Đảng, Nhà nước vi phạm quyền con người, quyền công dân. Thực chất, bảo đảm an ninh con người trước hết phải là bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia của cả cộng đồng sinh sống, đó là chủ quyền thiêng liêng nhất, bao hàm an ninh con người và phục vụ cao nhất cho con người.

An ninh con người gắn với đảm bảo quyền con người

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, vấn đề an ninh con người, an ninh xã hội là tư duy, nhận thức rất mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trước môi trường an ninh, phát triển của đất nước và yêu cầu ngày càng cao trong bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân trước những nguy cơ, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang gia tăng.

Bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, khơi dậy sự tự nguyện, tự giác, tham gia tích cực của mỗi người dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, Quân đội với những phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh chặt chẽ, phù hợp theo từng cấp độ đe dọa an ninh con người, an ninh xã hội trên cơ sở quy định của pháp luật.

Với nội hàm an ninh con người theo tư duy mới của Đảng, việc triển khai thực hiện sẽ đem đến rất nhiều tác động tích cực đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội. Trước hết, việc thể chế hóa tư duy mới của Đảng thành các quy định pháp luật sẽ tạo cơ sở pháp lý góp phần bảo vệ an ninh con người, an ninh xã hội trước những thách thức mới đến từ các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Tổ chức thực hiện các quy định này, người dân, doanh nghiệp sẽ được bảo vệ đầy đủ, toàn diện hơn, nhất là trước những vấn đề an ninh mới nổi lên như an ninh dữ liệu, an ninh cá nhân, an ninh kết nối. Kỷ cương xã hội, kể cả trên không gian mạng được tăng cường, góp phần củng cố ngày càng vững chắc môi trường an toàn, lành mạnh, trật tự bảo vệ cuộc sống của người dân, phát triển của doanh nghiệp.

Cũng theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, bên cạnh tác động tích cực, không thể loại trừ nguy cơ lợi dụng vấn đề này để tác động, hướng lái, gây sức ép, tạo sự lệ thuộc hoặc can thiệp công việc nội bộ Việt Nam của các thế lực thù địch; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong thực thi các quy định, chính sách để kích động gây bất ổn xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước; cùng với tình hình tội phạm xâm phạm an ninh con người, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, yếu tố tiềm ẩn phức tạp đe dọa an ninh xã hội… sẽ là những nguy cơ, thách thức phải tập trung phòng ngừa, xử lý từ sớm, từ xa.

Về việc phối hợp thực hiện vấn đề an ninh con người, an ninh xã hội thời gian tới, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, mọi hoạt động của các tổ chức đảng, hệ thống chính trị, trong đó có liên ngành tư pháp, từng cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân sẽ quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả quan điểm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

"Đây không phải vấn đề mới, song sẽ được tập trung cao độ nguồn lực, biện pháp để thực hiện bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội. Lực lượng Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội cũng như bảo đảm vai trò giám sát của các cơ quan và người dân trong vấn đề này" - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Xuân Tùng (TTXVN)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement