An ninh lương thực
Khái niệm
An ninh lương thực trong tiếng Anh được gọi là Food security.
An ninh lương thực là khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người ở mọi lúc có đủ lương thực cho một cuộc sống khoẻ mạnh và hoạt động.
Các thành phần quan trọng của nó là sự sẵn có lương thực và khả năng kiếm được lương thực. Không an ninh lương thực, ngược lại là thiếu điều kiện có đủ lương thực. (Theo Ngân hàng thế giới).
Qui tắc cơ bản
Phân tích định nghĩa trên ta có thể thấy những qui tắc cơ bản của an ninh lương thực được thể hiện là :
- Thứ nhất, định nghĩa nhấn mạnh khả năng nhận được lương thực chứ không phải là cung cấp lương thực.
Điều này phù hợp với khái niệm về quyền sở hữu lương thực, nó tập trung vào vấn đề con người có đủ lương thực hay không. Bằng cách đó tập trung vào các phương pháp bổ sung sở hữu này ở những nơi nó thiếu hoặc không có.
- Thứ hai, định nghĩa nhấn mạnh khả năng có lương thực cho tất cả mọi người với ngụ ý rằng, nếu chỉ nhìn tổng quát về vấn đề này là chưa đủ mà tình trạng của từng thành viên trong các nhóm xã hội là vô cùng quan trọng.
- Thứ ba, định nghĩa bao gồm cả "sự sẵn có lương thực và khả năng kiếm được lương thực".
Định nghĩa về an ninh lương thực có được là nhờ sự biến chuyển mạnh mẽ từ những suy nghĩ cho rằng vấn đề lương thực chỉ đơn thuần là "cung cấp lương thực có sẵn" sang khái niệm vấn đề lương thực bao gồm cả khả năng con người có thể "sản xuất ra lương thực".
Khái niệm bất an ninh lương thực
Định nghĩa về an ninh lương thực của Ngân hàng thế giới cũng đưa ra sự phân biệt quan trọng giữa khái niệm bất an ninh lương thực kinh niên với khái niệm bất an ninh lương thực nhất thời:
- Bất an ninh lương thực kinh niên được định nghĩa như là chế độ ăn uống không đầy đủ thường xuyên do không có khả năng kiếm đủ lương thực.
- Bất an ninh lương thực nhất thời là sự thiếu hụt lương thực tạm thời ở phạm vi hộ gia đình.
Cả hai khái niệm đều dựa trên khía cạnh sở hữu lương thực trong chính sách lương thực. Cả hai khái niệm đều tập trung vào tình trạng của hộ hoặc cá nhân chứ không phải là ở phạm vi vĩ mô.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Qui hoạch Phát triển Nông thôn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Nông, NXB Nông nghiệp Hà Nội, 2004)
0 Nhận xét