Các nhà lãnh đạo châu Phi nỗ lực đạt mục tiêu "đói về không" (baoquocte.vn)
Các nhà lãnh đạo châu Phi nỗ lực đạt mục tiêu 'đói về không'
Baoquocte.vn. Ngày 29/4, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Phi đã cam kết xóa bỏ nạn đói và suy dinh dưỡng, vốn đang cản trở sự tiến bộ kinh tế xã hội trên lục địa này.
Châu Phi đang tìm cách xóa bỏ nạn đói và suy dinh dưỡng, vốn đang cản trở sự tiến bộ trên lục địa này. (Nguồn: Borgen Project) |
Phát biểu tại Diễn đàn trực tuyến "Đối thoại cấp cao về lương thực châu Phi", do Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB) và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đồng tổ chức phối hợp với Diễn đàn nghiên cứu nông nghiệp châu Phi (FARA) và Tổ chức hệ thống của Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), các nhà lãnh đạo cho biết, châu lục này có thể xóa bỏ nạn đói nếu các hệ thống nông nghiệp được chuyển đổi thông qua việc tận dụng công nghệ, tài chính, thủy lợi và cải thiện quản lý sau thu hoạch.
Theo Tổng thống Senegal Macky Sall, khả năng đạt được an ninh lương thực và dinh dưỡng của châu Phi phụ thuộc vào việc mở rộng quy mô nông nghiệp thông minh kết hợp với khả năng tiếp cận vốn, thị trường và công nghệ của nông dân sản xuất nhỏ.
Việc xây dựng hệ thống lương thực có khả năng phục hồi trên lục địa là điều cấp thiết trong bối cảnh nạn đói và suy dinh dưỡng ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 gây ra, ông Marky Sall nói.
Chủ tịch Ngân hàng AfDB Akinwumi Adesina cho biết, mục tiêu của Diễn đàn kéo dài 2 ngày này nhằm kích thích thiện chí chính trị cần thiết để phục hồi Chương trình nghị sự về An ninh lương thực ở một lục địa có khoảng 246 triệu người bị đói.
Châu Phi cần phải tăng gấp đôi nỗ lực của mình để nuôi sống một dân số đang ngày càng tăng, đồng thời thúc đẩy tính bền vững của môi trường.
Đồng thời, ông Adesina cũng nói thêm, sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ và có trách nhiệm, cải cách chính sách, đầu tư vào nghiên cứu, công nghệ và đổi mới là điều cần thiết để chuyển đổi hệ thống canh tác và tăng năng suất cây trồng.
Cuối cùng, ông Adesina nhấn mạnh về việc trao quyền cho các "nông dân châu Phi nhỏ", những người sản xuất gần 80% lương thực trên lục địa này, là trọng tâm của các chương trình xóa đói.
Trong khi đó, Tổng thống Ethiopia Sahle-Work Zewde cho hay, diễn đàn đối thoại cấp cao này sẽ cung cấp cho các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách và học giả châu Phi một nền tảng để chia sẻ các thực tiễn tốt nhất, có thể khai thác để đẩy nhanh việc đạt được mục tiêu "Đói về không".
Bà Zewde nói: "Đối thoại là cần thiết để phát triển một lộ trình mới nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững về xóa đói trên lục địa. Chúng ta phải khai thác các công nghệ thúc đẩy sản xuất lương thực".
Nữ Tổng thống Ethiopia cũng chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo châu Phi về sự cấp thiết phải tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực khi đối mặt với sự gián đoạn chuỗi giá trị quan trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sẵn có của các mặt hàng cơ bản.
Trong khi đó, ông Gilbert Houngbo, Chủ tịch IFAD, kêu gọi các nước châu Phi ưu tiên huy động các nguồn lực trong nước, cải thiện các phương thức sử dụng đất và áp dụng các loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu để chấm dứt nạn đói và khủng hoảng suy dinh dưỡng.
Khuyến khích khu vực tư nhân địa phương có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài chính vốn đã làm chậm quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở châu Phi, ông Gilbert Houngbo lưu ý.
Theo ông Houngbo, các chính phủ nên khuyến khích nông dân sản xuất nhỏ mua bảo hiểm cây trồng cùng với các mô hình thích ứng với khí hậu dựa vào thiên nhiên để hỗ trợ sản xuất các loại lương thực chính như ngô, gạo và các loại đậu.
Cuối cùng, theo Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo, việc đa dạng hóa, cơ giới hóa và nâng cao nhận thức của nông dân có thể giải phóng tiềm năng của nông nghiệp châu Phi, giúp nước này đạt được an ninh lương thực và tăng thu nhập ở nông thôn.
0 Nhận xét