Khắc phục lỗ hổng an ninh năng lượng để phát triển bền vững

 Đứng trước yêu cầu của CNH, HĐH, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, chúng ta cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.

Giai đoạn từ năm 2021 - 2025, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII cho thấy, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030 với điện thương phẩm, năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Theo đó, điện thương phẩm sẽ thấp hơn 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo báo cáo thường niên EVN cho thấy, cường độ năng lượng đã giảm mạnh từ 568 kgOE (năm 2000) xuống còn không đến một nửa, khoảng 260 kgOE (từ năm 2015 - 2018), trong khi cường độ điện năng vẫn có xu thế tăng dần trong suốt hai thập niên qua, từ hơn 500kWh (năm 2000) đến gần 700 - 800kWh (năm 2015 - 2018). Diễn biến của các chỉ tiêu tương quan năng lượng/kinh tế này chỉ ra rằng: tính hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là hiệu quả sử dụng điện (sử dụng tới 700kWh để làm ra 1.000 USD) trong phát triển kinh tế của nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. 

Tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng. Tỷ lệ giữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng so với tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn hai lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là dưới một. Vì vậy, an ninh năng lượng là vấn đề cấp thiết đặt ra. Thiếu hụt nguồn cung điện đang là vấn đề nan giải hiện nay đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách năng lượng ở Việt Nam. Việc sử dụng công nghệ cao, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường là điều cần quan tâm.

Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 96,7 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người, quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay - khoảng 550 - 600 tỷ kWh điện.

Một số vấn đề của ngành điện gặp phải hiện tại là khá lớn. Giai đoạn từ năm 2020 - 2024 được dự báo sẽ bị thiếu điện trầm trọng do nguyên nhân một số các nhà máy nguồn điện có công suất lớn bị chậm tiến độ cũng như một số các dự án truyền tải cũng đang gặp khó khăn… Thị trường điện vận hành chậm chạp, thực tế giá điện không phản ánh đầy đủ các chi phí theo thị trường có thể xem là lý do khiến các đối tác tham gia không mặn mà, góp phần dẫn tới lỗ hổng về an ninh năng lượng.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng. Đáng chú ý, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Lan Anh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement