Những nguy cơ khủng bố thời kỳ hậu IS

Những nguy cơ khủng bố thời kỳ hậu IS - Tạp chí Quốc phòng toàn dân (tapchiqptd.vn)

 Năm 2019, cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới đạt nhiều kết quả, nổi lên là việc tiêu diệt thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi và quét sạch các tay súng nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi thành trì cuối cùng ở Syria. So với năm 2014, hiện nay, tần suất các vụ tấn công khủng bố đã giảm đáng kể, tuy nhiên, vấn đề này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, đe dọa an ninh thế giới.



Bước lùi tạm thời

Việc tiêu diệt trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi được cho là chỉ gây ra một bước lùi tạm thời đối với IS và các chân rết của nhóm này. Tương tự như Al-Qaeda năm 2011, sau khi thủ lĩnh Osama bin Laden bị tiêu diệt, nhóm khủng bố khét tiếng này đã phải giảm quy mô hoạt động, nhưng ngay lập tức một loạt các tổ chức khủng bố cực đoan khác lại nổi lên thay thế. Theo đánh giá của các chuyên gia an ninh thế giới, các nhóm khủng bố ra đời sau có xu hướng hành động tàn bạo và tinh vi hơn. Trước đây, IS cũng chỉ là một bộ phận của Al-Qaeda, lấy thành trì hoạt động đầu tiên tại Iraq. Sau khi Al-Qaeda thất thế, lợi dụng tình trạng hỗn loạn của các cuộc xung đột tại Trung Đông, IS đã nhanh chóng làm được điều mà không tổ chức phiến quân Hồi giáo nào trước đó có thể làm được, đó là chiếm giữ phần lãnh thổ trải dài từ Iraq tới Syria, với tham vọng lập nên “Vương quốc Hồi giáo”. Tuy ra đời sau, nhưng IS đã vượt Al-Qaeda về tiềm lực kinh tế, theo thống kê, mỗi ngày nhóm phiến quân này bỏ túi khoảng 01 triệu Đô la từ những khoản tiền chuộc con tin, bán dầu thô và buôn lậu hàng hóa. Ngoài ra, IS còn có bộ máy tuyên truyền phức tạp hơn bất cứ một tổ chức cực đoan nào trên thế giới. Những chiến dịch tuyên truyền gây sốc với các cảnh bắn, giết, hành hình tập thể hay chặt đầu con tin đã khiến danh tiếng và sự ảnh hưởng của IS tăng lên nhanh chóng, lấn át các nhóm khủng bố ra đời trước đó. Sự tàn bạo của IS khiến các thủ lĩnh của Al-Qaeda cũng phải dè chừng. Với cơ cấu tổ chức có quy mô của IS, nhiều nhà phân tích nhận định, tổ chức Hồi giáo này không thiếu người kế nhiệm, điều đó được minh chứng ngay sau cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi, IS đã bầu tay sai đắc lực của tên này là Abu Ibrahim al-Hashimi al-Quraishi làm thủ lĩnh mới. Nổi tiếng là kẻ chuyên hoạch định chính sách tàn bạo, nên Abu Ibrahim al-Hashimi al-Quraishi nhiều khả năng sẽ tổ chức các cuộc tấn công trả thù cho đồng bọn theo hướng tàn bạo hơn.

Theo nhận định của Michael Nagata, cựu chỉ huy cấp cao của Mỹ phụ trách Trung Đông, IS sẽ không sụp đổ sau cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi. Với chiều sâu và bề rộng của tổ chức khủng bố này, nhóm chỉ huy trẻ kế cận có quan điểm cứng rắn và kinh nghiệm chiến đấu sẽ dần thay thế lớp lãnh đạo cũ trong mạng lưới khủng bố toàn cầu của IS. Vì thế, cho dù mất đi thành trì tại Iraq và Syria, nhưng tàn quân IS vẫn sẽ lẩn trốn ở các khu vực sa mạc rộng lớn để chờ thời cơ. Thay vì chiếm giữ lãnh thổ như trước kia, giờ đây IS quay trở lại với các hoạt động khủng bố kiểu truyền thống, như: phục kích, đánh bom và ám sát, v.v. Cùng với những bất ổn tại Yemen và Afghanistan, nội chiến tại Syria chưa kết thúc, đặc biệt là việc Mỹ rút quân khỏi miền Bắc Syria sẽ là cơ hội để IS và các “phiên bản” khủng bố khác trỗi dậy; không chỉ tích cực hoạt động tại các địa bàn cũ, các nhóm khủng bố này có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, mở rộng địa bàn hoạt động sang cả Trung Á, Nam Á, Tây Phi,... phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của chúng.

Tham vọng về “Nhà nước Đông Nam Á” của IS

Theo thống kê của Liên hợp quốc gần đây cho thấy, trong khoảng 41.000 người ở khắp các nơi trên thế giới đã đến Syria và Iraq để gia nhập IS, có tới 1.000 người từ các quốc gia Đông Nam Á. Sau khi Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt, các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ từ dòng phiến quân này trở về và lập kế hoạch hồi sinh IS trên chính quê hương mình. Không dừng lại ở đó, các mối đe dọa đối với Đông Nam Á còn tập trung vào những phần tử cực đoan chưa bao giờ rời đi nhưng lại muốn được IS công nhận. Đã có những bằng chứng cho thấy, sự khuyến khích, kích động những cá nhân có tư tưởng ủng hộ khủng bố, gây ra các vụ tấn công, nếu không đến được Trung Đông tham chiến. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, từ Trung Đông, Châu Phi, Nam Á cho đến Đông Nam Á, IS hầu như chỉ sử dụng một chiến thuật khai thác sự bất mãn, dựa vào các phần tử cực đoan sẵn có tại địa phương và nương theo những tư tưởng cực đoan của Hồi giáo nguyên thủy lạc hậu. Ngoài ra, nhờ vào mạng lưới kinh tế, tài chính hùng hậu cùng với việc quản lý biên giới không chặt chẽ của các nước Đông Nam Á, các nhóm khủng bố có thể trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Nói cách khác, những phần tử cực đoan tại Đông Nam Á không quá phụ thuộc vào chỉ dẫn cũng như kế hoạch từ thủ lĩnh IS, thay vào đó, chúng có thể lên kế hoạch hành động độc lập, gây khó khăn cho việc kiểm soát của chính quyền các nước trong khu vực.

Trên thực tế, không phải tới khi thất thế tại Trung Đông, các tay súng IS mới tìm kiếm địa bàn hoạt động mới. Ngay từ khi thành lập, mục tiêu của nhóm khủng bố này là xây dựng hệ thống “vòi bạch tuộc” lan khắp thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Mối lo này hoàn toàn có cơ sở khi các quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ người theo đạo Hồi rất đông. Các chuyên gia nghiên cứu về an ninh và khủng bố thế giới cho rằng, từ lâu, Đông Á và Đông Nam Á luôn là tâm điểm gây sự chú ý của các phần tử cực đoan. Số nhóm vũ trang ủng hộ hệ tư tưởng của IS, như: Jemaah Islamiah, Jemaah Anshar Khilafah hay Abu Sayyaf đã khiến mạng lưới này thấy khu vực Đông Nam Á trở nên hấp dẫn, thậm chí Singapore, Indonesia, Philippines và miền Nam Thái Lan còn nằm trong cái gọi là kế hoạch thành lập “Nhà nước Đông Nam Á” của IS. Tại Indonesia - quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, IS đã nhắm đến từ rất sớm, hòng thiết lập “đế chế vệ tinh”, trong đó đáng chú ý là nhóm Jemaah Islamiah. Nhóm này, ngoài việc tuyên thệ trung thành với IS, chúng cũng học tập IS cách thu hút tài chính từ nhiều nguồn, như: núp bóng các doanh nghiệp hợp pháp, sử dụng các mạng xã hội Facebook, Twitter và Whatsapp để tuyên truyền, tìm kiếm thu nhập trực tuyến, kêu gọi và chấp nhận các khoản quyên góp, v.v. Không chỉ thay đổi phương thức gây quỹ, cách thức sử dụng tài chính của chúng gần đây cũng thay đổi, các quỹ không những được sử dụng cho các cuộc tấn công, mà còn dùng để hỗ trợ: kinh tế, y tế, giáo dục,... cho gia đình của các tù nhân khủng bố. Chính điều này, đã duy trì và nhân lên lòng trung thành của các thành viên khủng bố cũng như nuôi dưỡng thế hệ thánh chiến mới.

Những thách thức mới

Không thể phủ nhận cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi đã giáng một đòn chí tử vào IS và mạng lưới của nhóm khủng bố này, song, đây cũng là động cơ khiến IS phải thay đổi phương thức hoạt động để tồn tại trước những khó khăn, thách thức mới. Ngoài việc tìm kiếm địa bàn hoạt động, tổ chức này cũng điều chỉnh phương thức tuyển dụng các tay súng, thay đổi phương tiện và cách thức thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Trong khi súng, dao, phương tiện giao thông và nhiều loại vũ khí nóng vẫn được chúng sử dụng hiệu quả, thì nay các phương tiện chúng sử dụng có sự phát triển hơn, như: tên lửa tầm thấp, xe tăng, xe thiết giáp thu được,... thậm chí cả máy bay không người lái. Trước đây, mục tiêu tấn công thường nhằm vào cơ sở hạ tầng giao thông là các sân bay và ga tàu điện ngầm, thì nay chuyển sang các đám đông, như: lễ hội đường phố, sự kiện văn hóa, nghệ thuật để gây thương vong lớn. Mới đây, lực lượng an ninh Đức đã bắt giữ 04 đối tượng tình nghi là thành viên của IS khi đang lập kế hoạch theo dõi các mục tiêu, tìm mua vũ khí và nguyên liệu chế tạo bom để chuẩn bị cho âm mưu tiến hành các vụ tấn công gây chết người hàng loạt. Nhóm này còn được cho là có liên hệ và nhận chỉ thị từ chỉ huy của IS tại Afghanistan và Syria. Tương tự như ở Đức, trong vòng hai tháng qua, một loạt quốc gia khác, như: Ba Lan, Nga, Indonesia, Ai Cập,… đều đã bắt hoặc tiêu diệt các phần tử khủng bố có liên quan tới IS.

Điều đáng lo ngại hơn cả là, ý thức hệ tư tưởng cực đoan của IS vẫn đang được truyền bá và gây ảnh hưởng rộng rãi trong nhiều nhóm khủng bố. Nhờ công nghệ truyền thông đang “nở rộ”, sự phát triển của mạng xã hội, các nhóm khủng bố có thể dễ dàng “truyền cảm hứng” cho các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới để thực hiện các vụ tấn công. Những thanh niên trẻ bị cực đoan hóa tại nhiều quốc gia cũng sẵn sàng “tiếp sức” cho các “phần tử thánh chiến” theo lời kêu gọi của IS. Nếu như cách đây 10 năm, các chiến binh Hồi giáo cực đoan lui tới các diễn đàn một cách bí mật, thì nay chúng giao tiếp công khai trên mạng internet và hiệu quả cũng cao hơn. Theo ông Romain Caillet thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông (Pháp), hiện nay, các nhóm khủng bố đã biết đầu tư vào những diễn đàn dễ đăng nhập và có đông người tham gia, nhất là tại các quốc gia phương Tây. Mục đích của chúng là khủng bố công luận, đồng thời cũng dùng để tuyển dụng và cung cấp thông tin cho những đối tượng ủng hộ. Hiện tượng này không có gì mới, nhưng với sự xuất hiện các trang mạng xã hội, như: Facebook, Twitter, Youtube,… đã khiến tư tưởng của các tổ chức khủng bố lan nhanh tới mức chưa từng thấy. Nói cách khác, nhờ vào internet, các tổ chức khủng bố đã tạo được cách thức hỗ trợ truyền thông rất hữu hiệu.

Một thực tế nữa là, khi các nhóm khủng bố sử dụng internet để đăng tải những “tuyên ngôn”, thì các nhóm khủng bố có tổ chức cao và các tay súng hành động đơn độc thành thạo ứng dụng nền tảng kỹ thuật số lại sử dụng mạng xã hội để truyền trực tiếp toàn bộ hành động tấn công, với mục đích phóng đại thương vong, chia rẽ cộng đồng, gia tăng sự mất lòng tin giữa nhân dân với chính phủ và tạo cảm hứng cho nhiều tay súng đang muốn nổi lên như một người hùng. Nguy hiểm hơn, khi bị chặn trên mạng xã hội thông thường, các nhóm khủng bố này có thể nhanh chóng đăng tải lại nội dung kích động trên các nền tảng khác như jusstpaste.it hay senvid.com và archive.org, đặt ra thách thức không nhỏ đối với các quốc gia. Vấn đề ở đây là các nhà cung cấp mạng cũng không thể kiểm soát hết những hoạt động mang đầy tính rủi ro này. Đó còn chưa kể đến mối đe dọa từ vũ khí sinh học khi mà mã di truyền của hầu hết các chủng vi rút đều có trên mạng và không loại trừ khả năng các phần tử khủng bố có thể lợi dụng một số thành tựu của y học, nghiên cứu, phát triển một loại vi rút chủng mới nguy hiểm hơn. Các nhà khoa học đã từng cảnh báo, quy trình làm biến đổi gen có thể khiến các biến thể vi rút trở nên rất nguy hiểm, kháng mọi loại thuốc hiện có và người bị nhiễm không thể chữa trị được. Đây là mối đe dọa mới, đòi hỏi các tổ chức thế giới, các nước, nhất là các nước có nền y học phát triển sớm nghiên cứu đưa ra những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Thế giới hiện chưa thể lạc quan về một tương lai yên bình, vì hệ tư tưởng cực đoan của các tổ chức khủng bố chưa được loại bỏ tận gốc, rễ, nên nhiệm vụ bức thiết và cần kíp hiện nay đối với các quốc gia, chủ yếu là các cường quốc cần phải bắt tay tiễu trừ các phần tử IS, chặt đứt “vòi bạch tuộc” và tay chân của chúng.

QUỲNH DƯƠNG

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement