Công an nhân dân là lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Trong những năm gần đây, khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập với nền kinh tế thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức mới...
Trong đó, vấn đề an ninh phi truyền thống đang là một trong những mối đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình an ninh, trật tự. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh, trên phạm vi rộng của các nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống. Những nguy cơ, thách thức này đang đe dọa trực tiếp, nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước, đến vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Các vấn đề như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai, an ninh môi trường, an ninh năng lượng, an ninh tài chính tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh thông tin… đều là các vấn đề “nóng” đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân cần tập trung lực lượng giải quyết triệt để.
Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn các thách thức đó; ra sức huy động và đầu tư các nguồn lực; tích cực, chủ động mở rộng quan hệ quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Với vai trò là lực lượng chủ công nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm lực lượng Công an nhân dân đã chủ động đưa ra các biện pháp, kế hoạch, chương trình công tác nhằm ứng phó với tình hình trên. Đã xuất hiện một số công trình khoa học, tài liệu nghiệp vụ nghiên cứu vấn đề an ninh phi truyền thống, đưa ra nhiều giải pháp giải quyết tình hình trên. Tuy nhiên các quan điểm, cách tiếp cận còn nhiều khác biệt, chưa có sự thống nhất. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh phi truyền thống là vấn đề mới, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều vấn đề, lĩnh vực của xã hội, đất nước do đó để có cách nhìn tổng quan vấn đề an ninh phi truyền thống, tìm tiếng nói chung trong xã hội, cần phải tiến hành nghiên cứu ở quy mô lớn, tập hợp được đông đảo các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế.
Để phục vụ cho công tác thực tiễn, công tác đào tạo cán bộ Công an nhân dân, hiện đại hóa các kiến thức khoa học, trong đó kiến thức về vấn đề an ninh phi truyền thống, Học viện Cảnh sát nhân dân đã phối hợp với Thường trực Hội đồng lý luận Bộ Công an tổ chức các nhà khoa học biên soạn cuốn sách “An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế”. Bộ sách gồm 3 nội dung lớn:
Chương 1: Tư duy mới về an ninh quốc gia và nhận diện an ninh phi truyền thống;
Chương 2: An ninh phi truyền thống - Mối đe dọa và các nguy cơ, thách thức mang tính toàn cầu;
Chương 3: An ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Cuốn sách “An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế” được biên soạn và xuất bản là tài liệu tổng hợp toàn diện các vấn đề an ninh phi truyền thống có ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Các tác giả đã nêu định nghĩa và các đặc trưng của các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhận diện một số mối đe dọa và đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm ứng phó với các nguy cơ thách thức an ninh phi truyền thống ở Việt Nam. Bộ sách có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho đào tạo, bồi dưỡng các ngành học liên quan đến vấn đề an ninh phi truyền thống và đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.
Bộ sách được biên soạn và xuất bản dưới sự chỉ đạo của GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an do GS.TS Tô Lâm và GS.TS Nguyễn Xuân Yêm làm Tổng chủ biên.
Do an ninh phi truyền thống là vấn đề mới, phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực nên các tác giả khó tránh khỏi khiếm khuyết, hạn chế. Rất mong nhận được sự phê bình và góp ý của bạn đọc để lần tái bản sau được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
0 Nhận xét