Singapore cần làm gì để đảm bảo an ninh năng lượng? (bnews.vn)
https://bnews.vn/singapore-can-lam-gi-de-dam-bao-an-ninh-nang-luong/242384.html
Đối với Singapore, vốn bất lợi về năng lượng thay thế, mục tiêu gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo là không hề đơn giản
Theo báo The Business Times ngày 27/4, xung đột Nga-Ukraineđã gây ra sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng quốc tế, buộc các chính phủ trên toàn cầu phải tính toán lại những nguyên tắc cơ bản của an ninh năng lượng.
Như Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã tuyên bố: “Đơn giản chúng ta không thể dựa vào một nhà cung cấp rõ ràng đang đe dọa chúng ta”.
Điều này đã dẫn đến việc tái phát hiện tầm quan trọng của năng lượng thuộc sở hữu và được sản xuất ở trong nước. Sự quan tâm đặc biệt đã được dành cho năng lượng tái tạo, như các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nói, họ sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” để xây dựng lại sản xuất năng lượng Mặt Trời tại địa phương, và họ đang hướng tới gia tăng mục tiêu năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, đối với Singapore vốn bất lợi về năng lượng thay thế, con đường này không hề đơn giản. Mặc dù những thách thức không có nghĩa là không thể vượt qua, nhưng chúng đòi hỏi phải có hành động nhanh chóng và dứt khoát, được thúc đẩy bởi những mục tiêu mạnh mẽ.
* Những bài học cho an ninh năng lượng
Báo cáo về năng lượng 2050 của Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) Singapore được đưa ra đúng thời điểm. Mặc dù không phải là một văn kiện chính sách chính thức, nhưng nó đưa ra một cách hữu ích những cách thức khác nhau để Singapore chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Báo cáo đưa ra ba kịch bản dựa trên những giả định khác nhau về bối cảnh địa chiến lược và mức độ phát triển của đổi mới công nghệ. Trong đó, “Phục hưng năng lượng sạch” phản ánh một cách lạc quan sự phát triển nhanh chóng về công nghệ năng lượng và công nghệ số, cũng như sự hợp tác mạnh mẽ trên toàn cầu.
Trong khi đó, “Khối hành động vì khí hậu” tuy bi quan về công nghệ, nhưng lạc quan về môi trường địa chính trị và bởi vậy phân bổ ngân sách lớn cho nhập khẩu năng lượng. Cuối cùng, “Người mở đường công nghệ xuất hiện” giả định một trật tự thế giới bị rạn nứt và bởi vậy dựa nhiều vào khả năng Singapore cuối cùng phát triển các công nghệ thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo trong nước.
Với những diễn biến ở Ukraine, những giả định cho kịch bản cuối cùng này ngày càng có khả năng xảy ra. Đây là là điều đáng báo động đối với Singapore, quốc gia đòi hỏi phải có sự đổi mới công nghệ lớn hơn để bù đắp cho việc thiếu hụt các nguồn lực tương đối của mình. Báo cáo EMA báo hiệu những lĩnh vực mà Singapore cần phải nỗ lực rất lớn để đảm bảo các nguồn cung năng lượng trong tương lai.
* Đầu tư vào một ASEAN hùng mạnh
Báo cáo EMA nhấn mạnh rằng việc phát triển lưới điện khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là một bước tiến lớn của Singapore để đảm bảo nguồn cung năng lượng. Đây là mục tiêu mà ban lãnh đạo Singapore đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ, với sự tiến bộ dần dần nhưng không phải không có ý nghĩa.
Các dự án mang tính “mở đường”, giống như thử nghiệm nhập khẩu thủy điện từ Lào qua Thái Lan và Malaysia, là những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, chúng không giải quyết được vấn đề gốc rễ đằng sau sự tiến bộ chậm chạp của ASEAN trong vấn đề tài trợ cho năng lượng tái tạo.
Để phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực nhằm đáp ứng được các mục tiêu hiện nay về năng lượng tái tạo, các chính phủ ASEAN cần đầu tư thêm 14 tỷ USD mỗi năm cho các kế hoạch hiện có. Trong bối cảnh lạm phát và suy giảm kinh tế, ASEAN đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu này.
Khi các nhà đầu tư tư nhân và các quốc gia lớn do dự vì lý do lợi nhuận và chính trị, Singapore có thể giúp lấp vào khoảng trống này. Về vấn đề này, có sự khôn ngoan trong các động thái gần đây của Singapore khi đầu tư mạnh mẽ vào Indonesia để phát triển năng lượng Mặt Trời, một phần lớn trong số đó sẽ được xuất khẩu trở lại Singapore.
* Đa dạng hóa các nguồn sản xuất trong nước
Tuy nhiên, Singapore sẽ không “đặt tất cả trứng vào một rổ”. Trong trung hạn và dài hạn, các quốc gia ASEAN có thể quyết định trước hết chuyển nhiều hơn năng lượng tái tạo vào trong nước để thực hiện các mục tiêu quốc gia của riêng mình. Do đó, đây là một sự cấp bách về chính sách để giảm bớt sự phụ thuộc về năng lượng bằng cách nhanh chóng mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo ở trong nước, lý tưởng là đa dạng hóa trên khắp các nguồn khác nhau.
Việc thúc đẩy sản xuất trong nước sẽ được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự đầu tư gia tăng vào nghiên cứu công nghệ. Dường như những đột phá nhỏ trong tiến bộ công nghệ có thể mang lại lợi ích lớn cho an ninh năng lượng bằng việc cho phép Singapore đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình.
Việc tăng hiệu suất của các tấm pin Mặt Trời từ tỷ lệ 15% hiện tại lên 20%-25% có thể làm gia tăng rất lớn khả năng Singapore tạo ra năng lượng Mặt Trời. Những sự tiến bộ “làm thay đổi cuộc chơi” trong năng lượng hạt nhân có thể xuất hiện khi các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ sẽ giúp giảm thiểu sai sót của con người và làm cho công nghệ này trở nên an toàn hơn đáng kể.
Các biện pháp đã được thực hiện để thăm dò tất cả các lựa chọn có thể. Ví dụ, EMA cũng đang đánh giá tiềm năng địa nhiệt của Singapore, tìm cách sử dụng những tiến bộ gần đây trong công nghệ để khai thác nhiệt địa nhiệt ở sâu dưới lòng đất. Những sáng kiến này cần được hoan nghênh, song chưa đủ để đáp ứng được quy mô cần thiết. Do đó, những dự án đầu tư lớn vào nghiên cứu năng lượng là cần thiết để đưa Singapore đến gần hơn vạch đích.
Trong khi đó, mặc dù việc đảm bảo an ninh năng lượng là một thách thức, nhưng Singapore trước đây đã phải đối mặt và vượt qua những trở ngại tương tự. Như Bộ trưởng Chan Chun Sing đã nhấn mạnh, những thách thức về năng lượng của Singapore cũng tương tự như những trải nghiệm của nước này với vấn đề nước.
Khi bắt đầu hành trình về nguồn nước, Singapore phụ thuộc một cách bấp bênh vào nhập khẩu từ các nước láng giềng. Khó ai có thể dự đoán được rằng với kỹ thuật thủy lực và khử mặn, nước này lại có thể trở nên tự cung tự cấp nước một cách hiệu quả như hiện nay.
Năng lượng luôn là vấn đề mang tính sống còn. Singapore không được phép chần chừ trong việc tìm cách nghiêm túc phát triển một chương trình hướng tới khả năng tự cung tự cấp năng lượng lớn hơn. An ninh năng lượng đòi hỏi không chỉ những bước đi nhỏ mà còn đòi hỏi phải có hành động quyết đoán và tham vọng.
Giống như chiến lược NEWater nhằm đáp ứng 40% nhu cầu nước của Singapore vào năm 2022, Singapore cần xem xét một mục tiêu tham vọng hơn là vào năm 2035, có 40% năng lượng tái tạo được sản xuất trong nước trong tổng năng lượng của “đảo quốc sư tử”.
Điều này đi kèm với mục tiêu nhập khẩu 30% nhu cầu điện từ các nguồn năng lượng sạch vào năm 2035. Báo cáo EMA kết thúc bằng gợi ý rằng người dân Singapore nên lạc quan về tương lai. Điều quan trọng là tinh thần lạc quan này chuyển thành hành động mạnh mẽ.
Khi các mối quan hệ thương mại và công nghệ liên quan mất nhiều năm để “trưởng thành”, cách thức Singapore phản ứng trong vài năm tới để đảm bảo an ninh năng lượng sẽ có ý nghĩa quan trọng./.
Nguyễn Thúy (P/V TTXVN Tại Singapore)
0 Nhận xét