Thực trạng về đạo đức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Nông

 


Thực trạng về đạo đức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Nông (moha.gov.vn)

https://moha.gov.vn/hochiminh/nghien-cuu-trao-doi/thuc-trang-ve-dao-duc-va-trach-nhiem-cua-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-tinh-dak-nong-18634.html

Vấn đề đạo đức và trách nhiệm công chức là một vấn đề mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm, vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1973/CT-TTg ngày 07/11/2011, về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó đã quán triệt và tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc tu dưỡng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, chống suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng và xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa hiện nay.

I. VAI TRÒ, VỊ TRÍ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Vấn đề đạo đức và trách nhiệm công chức là một vấn đề mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm, vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1973/CT-TTg ngày 07/11/2011, về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó đã quán triệt và tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc tu dưỡng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, chống suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng và xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thực tiễn những năm qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được nâng lên. Đa số cán bộ, công chức, viên chức đều kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Song, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, chạy chức chạy quyền, độc đoán, vi phạm kỷ luật,... diễn ra ngày một phức tạp hơn.

Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tất yếu dẫn tới sự suy yếu tổ chức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Chỉ khi nhận diện đúng nguồn gốc và những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống, suy thoái chính trị tư tưởng chúng ta mới có thể xác định nội dung, biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Bác Hồ đã nói: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức là người vô dụng”“cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại là do cán bộ” như vậy vấn đề đạo đức công vụ công chức là vấn đề có tầm quan trọng rất lớn dẫn đến sự thành bại của nền hành chính.

Đối với công tác xây dựng chính quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và việc phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng đảng.

Tại tác phẩm Sửa đổi lối làm việc năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra các căn bệnh nguy hiểm trong cán bộ, đảng viên như: kiêu ngạo, hống hách, hẹp hòi, tham nhũng… và để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bản lĩnh cầm quyền của Đảng, Người kêu gọi mọi cán bộ, đảng viên phải hành động quyết liệt để chống lại những căn bệnh đó để nhân dân tin Đảng và Đảng phải vững mạnh để phục vụ nhân dân, để ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên đang là một vấn đề lớn đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta.

Trong bối cảnh cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đời sống xã hội. Thực trạng suy thoái về đạo đức trong cán bộ, đảng viên đã và đang có những diễn biến phức tạp, trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đã nêu lên những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng hiện nay: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”, những biểu hiện đó có nguy cơ làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều năm chậm được khắc phục, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự mất dần lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang ra sức phấn đấu xây dựng.

II. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN VỀ VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HIỆN NAY

1. Thực trạng vấn đề đạo đức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay

Theo thống kê của Sở Nội vụ tính đến thời điểm 30/9/2014, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Đăk Nông là 20.151 người, trong đó Cán bộ, công chức khối Đảng là 962 người, khối Nhà nước là 2168 người; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 14.119 người, cán bộ, công chức cấp xã là 1.497, cán bộ bán chuyên trách cấp xã 1.405 người.

Nhìn chung số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác quản lý, lãnh đạo các cấp phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị.

Đa phần cán bộ, công chức viên chức của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ dặt ra, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân và góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh ta trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế của đất nước với nền kinh tế của thế giới.

Trong tình hình hiện nay, tỉnh ta ta đang có nhiều chuyển biến phát triển hội nhập nền kinh tế quốc tế, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, xã hội ngày càng phát triển đã ảnh hưởng tích cực và tiêu cực về nhiều mặt đến lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự chuyển biến lớn về tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, công chức, viên chức do vậy đã có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái, thiếu gương mẫu về đạo đức và lối sống.

Có thể thấy những việc liên quan sai phạm về đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay xuất hiện chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, công an, kiểm lâm, y tế, giao thông... Trong đó, có nhiều vụ việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng, như một số vụ công chức kiểm lâm, viên chức làm công tác quản lý, bảo vệ rừng lơ là, thiếu trách nhiệm để cho "lâm tặc" phá rừng trong nhiều năm; một số viên chức ngành y tế lợi dụng vị trí việc làm vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xâm phạm nhân phẩm, danh dự và thể xác của người khác; một số cán bộ dự án "rút ruột" công trình xây dựng; một số công chức, viên chức thanh tra giao thông, công an giao thông nhận tiền “mãi lộ” của lái xe và doanh nghiệp; một số công chức địa chính cố ý sai phạm để trục lợi cá nhân; có cán bộ làm công tác đền bù, giải tỏa thiếu quản lý, tắc trách để cấp dưới gây ra những sai phạm gây nhiều dư luận, bức xúc cho người dân; thậm chí công chức làm công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cũng hách dịch, rề rà, gây khó dễ cho các cá nhân đến liên hệ công tác... Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định, hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc hời hợt, thiếu nhiệt tình và thiếu hẳn tính thân thiện hoặc thiếu nhiệt tình trong việc tiếp công dân.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục và thành phần hồ sơ, đây là một chủ trương, chính sách được nhân dân đồng tình ủng hộ, hoan nghênh. Qua đó các cơ quan, đơn vị đã tiến hành thực hiện nghiêm túc, bước đầu đem lại hiệu quả cao, tuy nhiên qua một thời gian đã bắt đầu xuất hiện sự nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức, viên chức, bắt đầu có việc yêu cầu bổ sung thêm một số thành phần hồ sơ không có trong thủ tục hành chính, công tác tiếp công dân bị lơ là, hình thức; công chức làm công tác địa chính hướng dẫn không đầy đủ, nhiều lần và có hiện tượng vòi vĩnh, ngâm hồ sơ nhằm mục đích vụ lợi.

Sinh thời Hồ Chủ tịch đã nói: "Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân", tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc cho dân, thậm chí cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị khác theo kiểu "ban ơn, làm phúc” chưa thực sự đúng nghĩa là “công bộc” của dân, chưa đúng nghĩa là quan hệ giữa người phục vụ và người được phục vụ mà còn đặt nặng tính thủ tục, nguyên tắc cứng nhắc, thiếu bình đẳng, thiếu tôn trọng.

Trong việc thực hiện nhiệm vụ, công tác tiếp xúc, tiếp nhận hồ sơ giải quyết công việc cho nhân dân, một số cán bộ, công chức, viên chức tỏ rõ thái độ hách dịch, nhũng nhiễu khi giải quyết công việc, gợi ý, vòi vĩnh trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách công việc, chưa thường xuyên học tập bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác hạn chế; một số đơn vị, tình trạng mất đoàn kết nội bộ vẫn còn xảy ra, có biểu hiện cục bộ, kèn cựa địa vị, ganh tị, bè phái, lợi ích nhóm, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn không phối hợp với nhau, làm việc theo kiểu “mạnh ai nấy làm” dẫn đến hiệu quả công việc không cao.

Trong khi đó việc nhận xét đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm các cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, vẫn còn mang tính hình thức, đánh giá chung chung và cả nể; công tác thực hiện chế độ báo cáo không trung thực, bao che cho những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Như theo thống kê báo cáo của các cơ quan, đơn vị năm 2013, về tình hình đánh giá công chức cuối năm tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp huyện, tỉnh là 2,31%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 73,39%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là 24,31%. Đối với cấp xã tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 6,1%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 63,62%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là 30,26%. Không có cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên trên thực tế dựa trên việc theo dõi, quản lý về cán bộ, công chức của Sở Nội vụ, số cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỉ lệ 3,2%. Số cán bộ, công chức cấp xã không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỉ lệ 4,1%.

Như vậy, trên thực tế cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm kỷ luật và bị xử lý kỷ luật, tuy nhiên công tác đánh giá cuối năm các cơ quan, đơn vị vẫn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ, ở một số đơn vị thủ trưởng đơn vị bị xử lý kỷ luật nhưng khi báo cáo lên cấp trên cơ quan, đơn vị không báo cáo, do đó đã ảnh hưởng đến công tác thống kê báo cáo chung.

Việc vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã gây ra những hậu quả khó lường cho bản thân và nhân dân, trong đó chính người dân là người phải gánh chịu những nhũng nhiễu, hách dịch, gợi ý vụ lợi... những điều đó đã gây nên sự bất bình của nhân dân, tạo dư luận không tốt.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân sự trì trệ, sách nhiễu, cửa quyền, suy thoái đạo đức ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính ở tỉnh ta chủ yếu tập trung vào một số nguyên nhân sau:

Việc triển khai Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của các cơ quan, đơn vị còn chậm, thiếu quyết liệt nên hiệu quả chưa cao.

Một số nơi người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự gương mẫu trong vấn đề đạo đức lối sống và trách nhiệm trong công việc nên đã tác động tiêu cực đến tư tưởng của cấp dưới trong thực thi nhiệm vụ.

 Năng lực, đạo đức của nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước. Một sốcán bộ, công chức, viên chức có năng lực công tác nhưng phẩm chất đạo đức còn hạn chế trong việc thực hiện nhiêm vụ, công vụ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của bộ máy công quyền.

Các cơ quan, đơn vị chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc giáo dục tinh thần trách nhiệm, cũng như việc xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ chưa nghiêm nên chưa thật sự có tính răn đe, làm gương.

Thiếu những quy định cụ thể trong các đơn vị về trách nhiệm của cán bộ, công chức; cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát của tổ chức và thủ trưởng trực tiếp cũng như của nhân dân đối với hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa thường xuyên, chưa nghiêm túc và thiếu đồng bộ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, và còn mang tính hình thức. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức thiếu nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.

III. CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG THỜI GIAN TỚI

Để nâng cao đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống đối với cán bộ, công chức, viên chức kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn những lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức và hành động của cán bộ, công chức; nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Triển khai thực hiện tốt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 theo Nghị quyết số 30­c /NQ-CP ngày  08/11/2011 của Chính phủ. Trong đó cần tập trung quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. ­­­­­­­­

Thường xuyên kiểm tra, giám sát về đạo đức công vụ đảm bảo tính khách quan, công bằng, đồng thời đưa ra hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm khắc và phù hợp.

Khi xem xét, đề bạt, bố trí cán bộ cần làm rõ những dư luận không tốt liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức trước khi quyết định.

Phát huy vai trò của Mặt trận trong công tác phản biện xã hội.

Nghiêm khắc trong việc giới thiệu để đua ra xét kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự gương mẫu trong vấn đề đạo đức, lối sống và trách nhiệm trong việc để ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị

Xây dựng và hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng công khai, dân chủ, có sự tham gia của dư luận xã hội và công dân.

Cải cách hệ thống tiền lương nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, công chức, để cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo các điều kiện thiết yếu và nhu cầu cơ bản cho cuộc sống bản thân và gia đình; xây dựng các chế độ, chính sách khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tốt, tận tụy và trong sạch.

Xử lý nghiêm, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức nhằm giáo dục và chấn chỉnh cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào Nhà nước và pháp luật.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan nhà nước.

Nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, xây dựng đạo đức lối sống lành mạnh, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống.

IV. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Đối với địa phương

Các cơ quan, đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về đạo đức công vụ cần nghiêm khắc xử lý trách nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ.

Mạnh dạn xử lý kỷ luật và bố trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm và người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra vi phạm nhiều lần, không có biện pháp khắc phục hoặc khắc phục nhưng không có hiệu quả.

Thường xuyên giáo dục và nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức công vụ, kịp thời phát hiện để có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái về đạo đức công vụ.

Cần thiết lập một đường dây nóng ở những nơi có khối lượng tiếp xúc với nhân dân nhiều để nhân dân kịp thời phản ánh những hành vi không phù hợp với chuẩn mức đạo đức để lãnh đạo đơn vị kịp thời nắm bắt và xử lý.

2. Đối với Trung ương

Xây dựng các quy định cụ thể về đạo đức công vụ cho từng chức danh công chức và hình thức xử lý khi có vi phạm để địa phương có cơ sở thực hiện.

Hoàn thiện cơ chế đánh giá nhận xét cán bộ, công chức, viên chức đưa ra chuẩn mực cụ thể bằng các văn bản luật để làm căn cứ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm, tránh tình trạng đánh giá chung chung, cả nể và bao che khuyết điểm, hạn chế.


Hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...; xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả và xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm về đạo đức và trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ./. 

Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nô

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement