Thực trạng cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu

 Thực trạng cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu

(ANTV) - Cuộc khủng hoảng chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đó là cách người ta nói về cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu hiện nay. Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí còn gọi đây là vấn đề lớn nhất mà Liên minh châu Âu phải đối mặt và nó còn khó khăn hơn cả cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Phóng sự sau sẽ đem đến một cái nhìn tổng quát về thực trạng này.

 

Thực trạng cuộc Khủng hoảng Di cư châu Âu

Ngày 6/9, 20 người đã thiệt mạng khi một thuyền chở người di cư bị thủng ở cách bờ biển Libya 30 hải lý. Tàu cứu hộ của Hải quân Italy chỉ cứu được 107 người đang lênh đênh trên biển. Trước đó không lâu, ngày 27/8 vừa qua, cảnh sát Áo phát hiện 71 thi thể người tị nạn bên trong một xe tải đông lạnh. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều thảm kịch xảy ra thời gian gần đây liên quan tới người nhập cư trái phép tìm đường vào châu Âu.

Giàu có, an toàn và dễ tiếp cận là lý do khiến châu Âu trở thành "miền đất hứa" của hàng trăm nghìn tị nạn từ những nơi chìm trong bạo lực và nghèo đói ở Trung Đông, châu Phi và nhiều khu vực khác. Theo các số liệu thống kê, từ đầu năm đã có hơn 350.000 người chấp nhận mạo hiểm cuộc sống để vượt Địa Trung Hải và hơn 2.500 người đã bỏ mạng ngoài biển trên hành trình đến châu Âu.

Anh Muhammad Faed – Người Afghanistan cho biết: “Tôi đến từ Afghanistan. Tôi đã trốn chạy khỏi đất nước của mình. Tôi không thể sống ở đó, vì có quá nhiều mối nguy hiểm, có Taliban, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, những nhóm phiến quân ấy đều muốn gây chiến với người dân Afghanistan”

Chị Tama - Người tị nạn Syria: "Tôi không muốn phải rời xa đất nước mình nhưng tôi phải làm gì khi nhà của tôi đã bị phá hủy, trường học cũng không còn nữa ?Tôi phải đưa các con tôi đến nước Đức hay bất cứ quốc gia nào mà chúng tôi cảm thấy an toàn"

Hy Lạp và Italy được xem là những quốc gia "cửa ngõ" châu Âu, nơi những người di cư đặt chân đến đầu tiên. Khi đến các điểm này, nhiều người cố gắng đi qua tuyến đường bộ Balkan - một cuộc hành trình vượt qua nhiều biên giới. Phần lớn trong số họ muốn di chuyển về phía Bắc, đến các nước như Đức và Thụy Điển, nơi đơn xin tị nạn có nhiều khả năng được chấp thuận.

Trong khi đó tại châu Âu, những bất đồng giữa các nước EU vẫn tiếp tục nảy sinh chủ yếu về cơ chế phân bổ hạn ngạch người tị nạn. Theo đó, Đức và Pháp ủng hộ cơ chế này, tuy nhiên một số nước như Hungary hay Ba Lan lại không đồng tình.

Vấn đề an ninh nhìn từ cuộc khủng hoảng Di cư châu Âu

Với một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi và những chính sách nhân đạo. Hy Lạp được coi là chặng dừng chân lý tưởng của rất nhiều người di cư đến từ Trung Đông, Châu Phi. Tuy nhiên, sẵn sàng hỗ trợ không đồng nghĩa  với việc Hy  Lạp có thể tiếp nhận toàn bộ lượng người di cư đang đổ về châu Âu những ngày gần đây. Khả năng tài chính hạn hẹp do khủng hoảng kinh tế đã khiến Athens đành chịu bó tay với lượng người mới đến,  khi ước tính, tổng lượng người tị nạn tại quốc gia này từ đầu năm tới nay đã lên đến gần 140.000 người.

Ông Dimitris Avramopoulos - Cao ủy phụ trách vấn đề Di cư của EU: "Chúng tôi kêu gọi đoàn kết và hỗ trợ tài chính, hậu cần cho Hy Lạp trong giai đoạn khó khăn khi mà Quốc gia này đã nằm ngoài tầm kiểm soát đối với dòng người di cư".

Cũng giống như Hy Lạp, người dân nhiều nước Châu Âu vẫn đang phải vật lộn với nền kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao. Việc tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn đồng nghĩa phải chi khoản tài chính không nhỏ để chăm sóc, và bảo vệ họ.
Bên cạnh an ninh kinh tế, vấn đề an ninh trật tự cũng là mối quan ngại lớn của châu Âu. Giới chức châu lục này lo sợ, những phần tử thánh chiến Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, hay AL-Qaeda có thể theo dòng người di cư chờ thời cơ thực hiện những vụ tấn công ngay trong lòng châu Âu. 

Ông Nigel Farage – Lãnh đạo Đảng Độc lập Anh cho biết: “Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS tự xưng đã từng tuyên bố sẽ lợi dụng dòng người di cư để đưa 500.000 chiến binh thánh chiến vào châu Âu. 500.000 có lẽ không thực tế, nhưng 5.000 hoặc 500 là điều hoàn toàn có thể.”

Không khó hiểu khi châu Âu đề cập đến vấn đề này, bởi trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ tấn công khủng bố đã xảy ra trên khắp châu Âu và đa phần thủ phạm là những người có liên hệ với các tổ chức cực đoan thánh chiến.

Nếu không phải là khủng bố, thì có lẽ châu Âu vẫn còn một thách thức rất lớn được đặt ra bởi những người tị nạn. Khi đa số những người Syria và châu Phi tới châu Âu là những người theo Hồi giáo, và những xung đột văn hóa, tôn giáo với người dân bản địa là điều không thể tránh khỏi.

Bức ảnh "Em bé Syria" lay động châu Âu

Khi tấm hình chụp thi thể nhỏ bé của Aylan, bé trai người Syria, 3 tuổi, nằm úp mặt xuống bờ biển, tay buông xuôi và chân vẫn đeo đôi giày nhỏ được đăng tải trên một số trang báo, nó lập tức khiến dư luận rúng động. Cái chết của em đã khiến người ta dần mường tượng ra số phận của những người liều mình bỏ quê hương để thoát khỏi bom đạn. Người lớn bắt đầu hối hận và cả giận dữ, họ nhận ra rằng sự thờ ơ của họ đã giết chết Aylan, và đã đến lúc họ phải hành động.

Hàng loạt các chiến dịch kêu gọi mở cửa cho người nhập cư đã được tiến hành. Người dân Đức, Pháp, Italy còn xuống đường biểu tình yêu cầu lãnh đạo quốc gia phải có trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Nhiều người tình nguyện mang thức ăn và nước uống đến giúp những người tị nạn, thậm chí có nhiều người còn sẵn sàng để những người di cư lưu trú tạm trong nhà mình.

Peshrawi Azizi - Người biểu tình Thụy Sỹ: "Châu Âu cần mở rộng vòng tay của mình và chấp nhận những người tị nạn đang chạy trốn khỏi chiến tranh. Chúng tôi phải giúp đỡ tất cả những người này. Họ cần chúng tôi." 

Annette Cremieu - Người biểu tình Pháp: "Tôi muốn chiến tranh kết thúc. Đây là nguồn gốc của mọi vấn đề. Tôi cũng muốn chào đón những người di cư để không còn thảm kịch nào xảy ra nữa." 

Cùng lúc này, lãnh đạo các quốc gia trên thế giới cũng đã có những động thái tích cực nhằm giải quyết vấn đề người di cư trong đó có việc tiếp nhận hay hỗ trợ tài chính cho người tị nạn.

Hiện nay hàng nghìn người di cư đã đặt chân đến Munich, trong sự chào đón của người dân bản xứ.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement