Bài phát biểu của đồng chí Hoàng Nghĩa Mai - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 tại Hà Nội
THỰC TIỄN ĐẤU TRANH
CHỐNG TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC XUYÊN QUỐC GIA Ở VIỆT NAM
VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI TĂNG CƯỜNG
HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ
GIỮA CÁC NƯỚC ASEAN VÀ TRUNG QUỐC
(Bài phát biểu của Đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát,
Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 tại Hà Nội từ ngày 24- 26//11/2009)
________________
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai
trình bày tham luận tại hội nghị
Kính thưa Đoàn Chủ tịch
Thưa Quý bà, Quý ông
Thực hiện sự ủy nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện cho Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước chủ nhà Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6, tôi xin được báo cáo tham luận về “Thực tiễn đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Việt Nam và sự cần thiết phải tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”.
Thưa Quý bà, Quý ông
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn thách thức, khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế đang tác động tiêu cực đến từng quốc gia trên thế giới. Cùng với thiên tai, dịch bệnh và nạn khủng bố quốc tế, các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều nhân tố gây bất ổn khó lường. Hoạt động buôn lậu ma tuý, buôn bán người, nhất là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ngày càng gia tăng ở nhiều nước và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia không chỉ gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, tài chính mà còn là nhân tố gây bất ổn về trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh các quan hệ kinh tế và là một trong những tác nhân thúc đẩy quá trình phân hoá giàu nghèo, chênh lệch mức sống giữa các quốc gia và các thành phần dân cư. Theo báo cáo thống kê của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), hoạt động của các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia trong lĩnh vực kinh tế- tài chính- ngân hàng trung bình mỗi năm đã gây ra thiệt hại cho thế giới khoảng 10 tỷ USD (nguồn: Bộ công an nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang tích cực mở rộng địa bàn và lĩnh vực hoạt động, tổ chức móc nối để xâm nhập vào hệ thống chính trị các nước và các tập đoàn kinh tế lớn bằng các thủ đoạn đưa hối lộ, mua chuộc, đe doạ các chính trị gia, các doanh nhân nhằm tìm cách thao túng quyền lực, lũng đoạn kinh tế và chia sẻ lợi nhuận. Tội phạm sử dụng kỹ thuật cao, sử dụng công nghệ truyền thông, hệ thống mạng internet toàn cầu đang có khuynh hướng gia tăng và xảy ra hầu khắp các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trước thực trạng đó, trong những năm gần đây, các Tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước ASEAN đã tích cực triển khai các hoạt động phối hợp trong chương trình hợp tác toàn cầu chống khủng bố, hợp tác tương trợ trong các lĩnh vực an ninh môi trường, an ninh năng lượng, an ninh kinh tế…, phòng chống các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng, đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan tư pháp của các nước, trong đó có Viện kiểm sát, Viện Công tố cần phải tăng cường hợp tác, tương trợ lẫn nhau hiệu quả hơn, thiết thực hơn.
Là một quốc gia đang trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, ở Việt Nam những năm qua, tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cũng có xu hướng tăng dần về cả số lượng vụ việc lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng. Các băng nhóm tội phạm mua bán người, mua bán vận chuyển trái phép chất ma tuý, buôn lậu qua biên giới, tàng trữ, vận chuyển tiền giả, tổ chức đánh bạc, lừa đảo xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tăng cường hoạt động ở nhiều địa phương, đặc biệt là các khu vực có biên giới chung với các nước Trung Quốc, Lào, Cămpuchia và các trung tâm kinh tế trọng điểm, các địa bàn thu hút nhiều dự án đầu tư, hợp tác du lịch, các khu vực có tuyến vận tải biển, đường bộ, đường sắt và hàng không quốc tế. Các băng nhóm tội phạm mua bán người cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài để lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ, trẻ em đưa đi nước khác, cưỡng ép kết hôn trái pháp luật và đưa vào các tụ điểm nhằm khai thác tình dục hoặc bóc lột sức lao động. Các hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý cũng gia tăng và xuất hiện ngày càng nhiều đường dây buôn lậu xuyên quốc gia với các thủ đoạn tinh vi nhằm đưa ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển sang các nước khác.
Các tổ chức tội phạm ma tuý tạo lập các đường dây hoạt động ở nhiều quốc gia, chúng phân công từng nhóm đối tượng chuyên tìm người tiêu thụ, phụ trách vận chuyển, cung cấp ma tuý và các bộ phận chuyên thực hiện việc thanh toán, luân chuyển tiền buôn lậu ma tuý. Năm 2009, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện xử lý nhiều vụ án mua bán trái phép chất ma tuý do các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thực hiện tại Việt Nam có liên quan đến các nhóm tội phạm tại các nước ASEAN và Trung Quốc. Các tổ chức tội phạm này ban đầu phân công các khâu thực hiện hành vi phạm tội trong nhóm người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, sau đó chúng tuyển dụng thêm và câu kết với các đối tượng tội phạm là người Việt Nam để giao thực hiện việc vận chuyển ma tuý từ nước ngoài về, tàng trữ, cất giấu tại Việt Nam, sau đó chuyển sang nước khác tiêu thụ. Các băng nhóm tội phạm này hoạt động với nhiều thủ đoạn rất tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng. Lợi dụng địa bàn khu vực biên giới việc đi lại tuần tra kiểm soát khó khăn để vận chuyển ma tuý hoặc chúng thường cất giấu ma tuý vào các đồ vật khó bị phát hiện khi kiểm tra bằng máy soi an ninh tại các cửa khẩu như: giầy, dép và các cúc áo lớn trên trang phục… Chúng tập trung lôi kéo, rủ rê một số người Việt Nam có thu nhập thấp, có nhu cầu đi du lịch nước ngoài để dụ dỗ họ cùng đi du lịch rồi thuê vận chuyển ma tuý từ Việt Nam đi nước ngoài và ngược lại.
Một đặc điểm đáng lưu ý là ngày càng có nhiều đối tượng người nước ngoài mua bán vận chuyển trái phép chất ma tuý, cướp, cướp giật tài sản của một số người nhận tiền qua ngân hàng, hoặc lợi dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, sử dụng công nghệ cao và những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý để thực hiện nhiều hành vi phạm tội mới như lừa đảo bằng thẻ tín dụng, lừa đảo trong việc thực hiện hợp đồng kinh tế qua mạng internet, qua hệ thống ngân hàng, lừa đảo phí trả trước, trộm cắp cước viễn thông quốc tế…Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là tính chống đối pháp luật của các tổ chức phạm tội xuyên quốc gia, nhiều vụ đối tượng phạm tội sử dụng vũ khí nóng tấn công gây thương vong đối với người thi hành công vụ
Trước diễn biến rất phức tạp của tình hình tội phạm, nhất là trước sự xuất hiện và gia tăng của các loại tội phạm mới trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và hợp tác tương trợ về tư pháp hình sự. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận và chuyển giao các yêu cầu về tương trợ tư pháp hình sự với các nước có liên quan và cũng đồng thời là cơ quan đề xuất việc ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp. Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thực hiện tốt việc giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt và ưu tiên cho các hoạt động phối hợp đấu tranh chống tội phạm và hỗ trợ tư pháp với Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc. Vào tháng 5/2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào tổ chức thành công Hội nghị Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới giữa hai nước. Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam cũng đã tích cực đẩy mạnh quan hệ đối tác, mở rộng hợp tác trao đổi thông tin và phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới tại các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu của Việt Nam với Viện kiểm sát các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc. Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn cấp cao thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lào, Viện Công tố Cămpuchia để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn hoạt động tương trợ về tư pháp giữa Viện kiểm sát các nước v.v…
Tuy nhiên, công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa Việt Nam và các nước đang gặp phải một số khó khăn, như việc thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp cần nhiều thời gian, trong khi pháp luật tố tụng hình sự một số nước có quy định về thời hạn điều tra vụ án. Trên thực tế, việc phải kéo dài thời hạn điều tra vụ án để chờ kết quả uỷ thác điều tra qua hoạt động tương trợ tư pháp gây lãng phí về tài chính và nhân lực trong hoạt động tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng . Bởi vậy, nhu cầu tăng cường, thúc đẩy hoạt động tương trợ tư pháp giữa các Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc mang tính cấp thiết, đặc biệt đối với việc đấu tranh chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia hiện nay trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao trong việc thực thi những cam kết đã được nêu trong Tuyên bố chung của Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố ở các nước ASEAN và Trung Quốc, nhất là tại Hội nghị lần thứ 5 (năm 2008) ở Ma-ni-la (Phi-lip-pin), Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã tích cực phối hợp với Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước trong khu vực thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự như lấy lời khai bị can, lời khai người làm chứng và người bị hại trong các vụ án có yếu tố nước ngoài, phối hợp với Cơ quan điều tra thực hiện việc chuyển giao hồ sơ, vật chứng liên quan đến các vụ án đã khởi tố điều tra, nhất là đối với các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, các tổ chức mua bán người… Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật tương trợ tư pháp (có hiệu lực từ ngày 01/7/2008), đã tạo khung pháp lý cho hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam với Viện kiểm sát, Viện công tố các nước được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trong quá trình thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp và hợp tác đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chúng tôi nhận thấy trong việc tống đạt các giấy tờ tài liệu, triệu tập nhân chứng, trao đổi thông tin có vướng mắc, nhất là vấn đề ngôn ngữ; việc thu thập chứng cứ cũng phải được chuyển đến các cơ quan tiến hành tố tụng nước có yêu cầu tương trợ tư pháp thực hiện thì mới có giá trị pháp lý, do đó thời gian hoàn thành công việc sẽ kéo dài nếu không được các bên hữu quan đáp ứng một cách tích cực. Tình hình đó có nhiều nguyên nhân, song xét về phương diện quan hệ hợp tác thì cơ bản vẫn là do cơ chế thực hiện tương trợ tư pháp chưa thực sự hữu hiệu, có một số vụ việc quá trình phối hợp giải quyết còn mang tính hình thức thủ tục.
Tuy nhiên, những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình hợp tác là không đáng kể so với những kết quả đã đạt được của hoạt động tương trợ tư pháp hình sự và mối quan hệ phối hợp trong công tác đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của chúng ta trong thời gian qua. Chúng tôi nhận thấy rằng trong điều kiện hiện nay, sự hợp tác tương trợ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực là xu thế tất yếu và là nhân tố rất quan trọng để đạt được các mục tiêu của Hiến chương ASEAN là nhằm “đối phó hữu hiệu tất cả các mối đe doạ, các loại tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức xuyên biên giới, phù hợp với nguyên tắc an ninh toàn diện”. Trên tinh thần đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác tương trợ tư pháp với các nước ASEAN và Trung Quốc để góp phần tích cực đấu tranh có hiệu quả đối với các tội phạm hình sự, nhất là các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Trong trường hợp nhận được các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam sẽ có các biện pháp tích cực với thời gian nhanh nhất, để yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện một cách nghiêm túc với tinh thần hợp tác, tin cậy.
Thưa Quý bà, Quý ông
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam khuyến nghị:
1. Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc cần nghiên cứu thiết lập một cơ quan điều phối chung các hoạt động đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và thúc đẩy hợp tác tương trợ tư pháp của các nước trong khu vực. Tăng cường tổ chức các nhóm làm việc, các hội thảo chuyên môn để các Kiểm sát viên, Công tố viên trao đổi thông tin về tội phạm, học hỏi kinh nghiệm công tác, tăng cường hiểu biết về hệ thống pháp lý và thủ tục tố tụng của các nước ASEAN và Trung Quốc.
2. Viện kiểm sát và Viện Công tố các địa phương ở từng nước trong khu vực có chung đường biên giới cần hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc cần nghiên cứu xây dựng một cơ chế hợp tác trao đổi thông tin và phương thức hoạt động phù hợp để giải quyết các vụ phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia mà trong một vụ án có các hành vi phạm tội xảy ra ở nhiều quốc gia, hoặc người phạm tội là người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước khác.
Thưa Quý vị
Vì mục tiêu xây dựng một cộng đồng các nước trong khu vực ASEAN và tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, với quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, chúng tôi tin tưởng rằng Hội nghị lần thứ 6 Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác, phát triển một cách toàn diện, có hiệu quả và tin cậy giữa Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước.
Một lần nữa xin được cảm ơn sự có mặt của các vị đại biểu, chúc quý vị sức khoẻ và có những kỷ niệm đẹp trong những ngày dự hội nghị tại Việt Nam.
Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của Quý vị./.
0 Nhận xét