Tác giả: Hoàng Cẩm Thanh & Nguyễn Hồng Bảo Thi
Khái niệm an ninh con người (human security) xuất hiện vào giai đoạn chứng kiến nhiều thay đổi lớn của thế giới – sự sụp đổ của Liên Xô, kết thúc Chiến tranh Lạnh và sự xuất hiện những khuynh hướng trong việc xem xét và nghiên cứu khái niệm an ninh. Ngay từ đầu những năm 1990, các mối đe doạ và xung đột mới nảy sinh đi cùng với xu hướng toàn cầu hoá cũng như sự xuất hiện mạnh mẽ của các chủ thể phi quốc gia đã gây nên những bất ổn an ninh mới cho từng quốc gia cũng như cộng đồng thế giới.
Trong hoàn cảnh ấy, câu hỏi về vai trò của quốc gia dân tộc và khái niệm quyền lực, sức mạnh – đối tượng hàng đầu của an ninh – được xem xét lại. Theo đó, lý thuyết về “an ninh lấy con người làm trung tâm”, hay an ninh con người, đã bắt đầu được quan tâm nghiên cứu và phát triển.
Khái niệm “an ninh con người” lầu đầu tiên được nêu lên trong Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) năm 1994. Theo UNDP, khái niệm an ninh từ lâu được các nước hiểu theo nghĩa hẹp là an ninh quốc gia, đóng gói trong phạm vi các mối đe dọa đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hay các vấn đề gắn liền với sự sinh tồn của một quốc gia như chiến tranh, chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí hạt nhân… UNDP cho rằng trong nhận thức về an ninh của mình, các quốc gia đã không lưu tâm tới những mối lo lắng chính đáng về an ninh của những người dân bình thường trong cuộc sống thường nhật của họ. Chính vì vậy tổ chức này đã đề ra khái niệm “an ninh con người”, bao gồm 7 thành tố chính: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng, và an ninh chính trị.
- An ninh kinh tế: bảo đảm mức thu nhập cơ bản của con người (thông qua các công việc trong khu vực kinh tế tư nhân hay nhà nước, công việc làm công ăn lương hay từ phúc lợi xã hội của chính phủ). Mối đe doạ chính của an ninh kinh tế chính là tình trạng đói nghèo.
- An ninh lương thực: đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận nguồn lương thực cơ bản để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cho một cuộc sống hiệu quả và khoẻ mạnh. Nguồn lương thực sẵn có để cung cấp là điều cần thiết nhưng chưa phải là một điều kiện đủ để đảm bảo an ninh lương thực vì con người vẫn có thể chết đói vì không có khả năng tiếp cận đến nguồn lương thực do hệ thống phân phối không hiệu quả hay con người thiếu khả năng mua hàng và sản xuất cho chính bản thân họ sử dụng.
- An ninh y tế: đảm bảo sức khỏe cho mọi người dân. Sức khoẻ là một trong những nhân tố quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh. Ớ các nước đang phát triển, bệnh truyền nhiễm và ký sinh là nguyên nhân gây nên cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Bệnh tật cũng gắn liền với điều kiện sống không an toàn như ảnh hưởng từ nguốn nước hay nguồn lương thực thiếu dưỡng chất. Còn ở các nước phát triển nhân tố chính gây tử vong là ung thư và những bệnh liên quan đến hệ tuần hoàn máu (liên quan đến lối sống). Mối đe doạ về bệnh tật và tổn thương sức khoẻ đặc biệt lớn hơn đối với những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
- An ninh môi trường: bảo vệ con người trước các mối đe doạ từ môi trường. Các mối đe dọa từ môi trường được chia làm hai loại: thiên tai như lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần…và do con người gây ra bao gồm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí, chặt phá rừng. Hiện tượng biến đổi khí hậu và những thảm hoạ sinh thái bắt nguồn trực tiếp phần lớn từ hoạt động của con người.
- An ninh cá nhân: bảo vệ các cá nhân trước các hành vi bạo lực. Ở các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển, cuộc sống con người đều bị đe doạ bởi các hành vi bạo lực không thể dự đoán trước được. Một số hình thức đe doạ bạo lực bao gồm: đe dọa từ nhà nước (tra tấn, lao động khổ sai); đe dọa từ các quốc gia khác (chiến tranh, xung đột vũ trang giữa các nhóm xuyên biên giới); đe dọa từ các nhóm người khác (căng thẳng và xung đột sắc tộc); đe dọa từ các cá nhân hoặc băng nhóm chống lại các cá nhân và băng nhóm khác (tội phạm, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bạo lực đường phố); đe dọa trực tiếp đối với phụ nữ và trẻ em (bạo lực trong gia đình, lạm dụng trẻ em)…
- An ninh cộng đồng: Con người cảm thấy an toàn hơn khi họ là thành viên của một nhóm nào đó – như trong một gia đình, cộng đồng, tổ chức, nhóm sắc tộc hay dân tộc. Nếu một nhóm hay cộng đồng được an toàn thì tạo nên an ninh của thành viên trong cộng đồng ấy. Mối đe doạ đến an ninh cộng đồng xuất phát từ các tập quán đàn áp, trọng nam khinh nữ hay phân biệt sắc tộc, xung đột vũ trang, hay các tổ chức phiến quân.
- An ninh chính trị: Một trong những khía cạnh quan trọng của an ninh con người gắn liền với sự đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản của con người khi họ sinh sống trong một xã hội. Đảm bảo an ninh chính trị là bảo vệ con người không phải chịu sự đàn áp, ngược đãi, đe doạ hay xâm hại của các lực lượng chính trị nhà nước hay của các nhà cầm quyền.
Có thể nói chính sự ra đời của khái niệm an ninh con người đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong nhận thức của nhiều quốc gia về khái niệm “an ninh”. Trong đó quan trọng nhất chính là nhận thức về hai khía cạnh: an ninh cho ai và an ninh trước các mối đe dọa nào?
Nếu như theo cách hiểu truyền thống, an ninh đồng nghĩa với an ninh quốc gia, trong đó quốc gia là chủ thể cần được bảo vệ về mặt an ninh, thì theo cách hiểu mới, con người nổi lên trở thành chủ thể chính của an ninh và cần được ưu tiên bảo vệ. Bên cạnh đó, nếu như an ninh truyền thống (hay an ninh quốc gia) đề cao mối đe dọa đến từ ngoại xâm đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia thì an ninh con người tập trung vào các mối đe dọa thuộc “chính trị cấp thấp”, như nghèo đói, kém phát triển, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch…
Phân biệt an ninh con người và an ninh quốc gia
An ninh con người | An ninh quốc gia | |
Lợi ích | Phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm. | Phục vụ nhà nước và những người trực thuộc nhà nước. |
Mục đích | Bảo vệ con người tránh khỏi những xâm lược từ bên ngoài và các mối đe dọa về: ô nhiễm môi trường, các dịch bệnh, tình trạng thiếu thốn kinh tế… | Sử dụng các chiến lược răn đe để duy trì sự toàn vẹn của nhà nước và bảo vệ quốc gia tránh khỏi những xâm lược từ bên ngoài. |
Phương tiện | Tổng hợp nhiều biện pháp về chính trị kinh tế xã hội…, đặc biệt là thông qua phát triển kinh tế và nâng cao đời sống con người. | Dựa vào xây dựng sức mạnh quân sự, quốc phòng… |
Mặc dù an ninh quốc gia và an ninh con người có cách tiếp cận khác nhau, nhưng chúng không hoàn toàn đối nghịch, mà ngược lại có mối liên hệ nhất định. Trong báo cáo công bố năm 2003 của mình, Ủy ban về An ninh Con người cho rằng nếu không có an ninh con người thì an ninh quốc gia sẽ không được bảo đảm và ngược lại.
Theo đó, nếu người dân của một nước phải chịu đựng các vấn đề như nghèo đói, kém phát triển, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… thì sức mạnh của quốc gia đó sẽ suy giảm, làm ảnh hưởng tới khả năng tự vệ của quốc gia đó trước các nguy cơ xâm lược. Ngược lại, nếu một quốcgia bị xâm lược thì quốc gia đó cũng không thể có điều kiện đảm bảo an ninh của từng cá nhân người dân trong các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường nhật của họ. Chính vì vậy, có thể nói nâng cao an ninh con người chính là góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và ngược lại.
Mặc dù còn một số tranh cãi đối với việc đưa an ninh con người vào chương trình nghị sự về an ninh của từng quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế, nhưng trên thực tế khái niệm “an ninh con người” đã được nhiều quốc gia tiếp nhận và áp dụng vào các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mình.
Ví dụ như Nhật Bản, bên cạnh các chương trình nhằm nâng cao an ninh con người của người dân trong nước như các chính sách về phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường…, Nhật Bản cũng đã đưa an ninh con người trở thành một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Theo đó, chính sách ODA của Nhật Bản ưu tiên tài trợ cho các dự án, chương trình giúp nâng cao an ninh con người của người dân ở các nước mà Nhật Bản quan tâm. Điều này giải thích tại sao nhiều dự án ODA của Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hay chăm sóc y tế, phòng chống dịch bệnh…
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
0 Nhận xét