An ninh con người trong tình hình mới

An ninh con người trong tình hình mới (tapchiqptd.vn) 

Vấn đề con người, nhất là an ninh con người luôn là chủ đề nóng của mọi quốc gia, thế giới, Việt Nam không là ngoại lệ. Vì thế, trong Đại hội XIII của Đảng, vấn đề này được các đại biểu bàn luận sôi nổi và thống nhất cao triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm.

Theo Liên hợp quốc, an ninh con người thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản: an toàn trước các mối đe dọa triền miên, như: đói khát, bệnh tật, áp bức; được bảo vệ trước những biến động bất thường và có hại đối với cuộc sống hàng ngày, trong mọi môi trường. Liên hợp quốc đưa ra bảy nhân tố cấu thành, tác động đến an ninh con người, gồm: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Các nhân tố này, tác động đến an ninh con người từ nhiều góc độ: phương diện, hoàn cảnh, không gian, thời gian, điều kiện, môi trường, trực tiếp hoặc gián tiếp đến từng người, cộng đồng người nhất định. An ninh con người là an ninh, an toàn của con người trong cuộc sống. Thực tiễn đã minh chứng, các cuộc chiến tranh, xung đột và những mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống xã hội tác động sâu sắc đến an ninh con người. Tương lai, an ninh con người còn chịu sự tác động của hàng loạt vấn đề từ an ninh phi truyền thống, như: khủng bố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và sự cố do chính con người gây ra.

Hơn 91 năm lãnh đạo cách mạng, bảo đảm an ninh con người luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Ngay trong Luận cương chính trị đầu tiên (tháng 10/1930), Đảng ta đề cập hàng loạt vấn đề liên quan đến con người, như: xã hội, chính trị, kinh tế, nhưng tập trung nhất là trong Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (02/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Trong định hướng phát triển đất nước 2021 – 2030, Đảng ta khẳng định: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”1.

Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng về quyền con người (năm 2018). Ảnh. Nguoilaodong

Để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc, thống nhất nhận thức và hành động theo quan điểm của Đảng về vấn đề an ninh con người; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một làxây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trước hết, cần xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực, v.v. Để có bộ máy trong sạch, vững mạnh, chỗ dựa, tin cậy vững chắc của nhân dân cần tích cực tinh giản bộ máy nhà nước bảo đảm tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nhà nước vững mạnh cả về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ, tư duy chiến lược, thực sự là “công bộc của dân”. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, hách dịch làm suy giảm sức mạnh của bộ máy và lòng tin của nhân dân, xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bảo đảm an ninh con người trong tình hình mới.

Hai làtập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Để bảo đảm an ninh con người bền vững cần phải xây dựng và phát triển một nền kinh tế ổn định, chất lượng, năng suất, hiệu quả; kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế: (1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại; (2) Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam; (3) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, v.v. Trên cơ sở đó, giải quyết hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đây là giải pháp quan trọng thể hiện tinh thần: bảo đảm an ninh con người phải lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm; an ninh con người với lĩnh vực kinh tế phải gắn chặt với việc làm và thu nhập của chính con người. Mặc dù, Đảng ta luôn khẳng định phát triển kinh tế là trọng tâm, nhưng trong một số tình huống cụ thể Đảng, Nhà nước ta cũng “sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân”, được thể hiện trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, thảm họa môi trường, v.v.

Ba làbảo đảm an ninh lương thực, chú trọng xóa đói, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là không để bất cứ người dân nào chịu đói, rét; màn trời, chiếu đất trong bão, lụt; không bỏ ai ở lại phía sau trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong đại dịch. Phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu, chương trình vì sự phát triển bền vững, vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển. Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ hiệu quả, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo; hạn chế bất bình đẳng xã hội. Đồng thời, nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội, bảo đảm nhu cầu tối thiểu về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm,… tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách bảo hiểm xã hội đa tầng, dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững. Đối với thị trường lao động, cần hướng đến việc làm bền vững; bảo đảm cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực trong nước, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng lao động, tập trung giải quyết việc làm cho người dân, nhất là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề.

Bốn làbảo đảm quyền con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Giữ vững quyền lãnh đạo của Đảng, nhân tố quyết định bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách, nhằm điều tiết hài hòa các mối quan hệ xã hội, trên cơ sở đó bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Chủ động xây dựng các “giá trị cốt lõi”, điều kiện tốt nhất nâng cao khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận xã hội, tạo động lực phát triển đất nước. Phát huy lợi thế và con người Việt nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, chăm lo lợi ích chính đáng của người dân, thực hiện công bằng xã hội. Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ, năng lực làm việc và cả thể lực; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm nhân dân được sống trong hòa bình, ổn định, an sinh xã hội tốt nhất, kinh tế phát triển bền vững.

Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trước hết phải chú trọng phát triển văn hóa. Bởi lẽ, con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, vừa là sản phẩm của văn hóa, vừa là người thụ hưởng văn hóa. Con người là nhân tố quyết định không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng ta khẳng định, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành mục tiêu của Chiến lược phát triển. Con người, trước hết là nhân dân lao động phải được đặt vào trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mọi chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều phải xuất phát từ con người, vì con người, không đánh đổi lợi ích kinh tế bằng mọi giá, bất chấp pháp luật và đạo lý xã hội. Đồng thời, khai thác, phát huy các nguồn lực văn hóa của dân tộc làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, điều kiện tiên quyết bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người trong tình hình mới.

Đại tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU
_______________

1 - Phụ trương Báo Quân đội nhân dân, số 21386, thứ Ba, 20/10/2020, tr. B.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement