Tình trạng thiếu lương thực và giá cao có thể gây khó khăn cho một số quốc gia

 Tình trạng thiếu lương thực và giá cao có thể gây khó khăn cho một số quốc gia - Epoch Times Tiếng Việt (epochtimesviet.com)

https://www.epochtimesviet.com/tinh-trang-thieu-luong-thuc-va-gia-cao-co-the-gay-kho-khan-cho-mot-so-quoc-gia_279525.html

Sau hơn hai năm chuỗi cung ứng liên tục bị gián đoạn do đại dịch, các nước hiện đang chứng kiến ​​giá lương thực tăng cao và đang chuẩn bị cho tình trạng thiếu hụt tiềm năng do hậu quả từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Về mối đe dọa khan hiếm lương thực đang hiện hữu, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố hôm 24/03 rằng, “Điều đó sẽ trở thành hiện thực,” đồng thời giải thích Hoa Kỳ và Canada có thể cần phải tăng sản lượng để tránh tình trạng thiếu hụt ảnh hưởng đến các thị trường toàn cầu, như ở Âu Châu và các quốc gia đã đang phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã làm phức tạp thêm những nỗ lực khôi phục chuỗi cung ứng hiện hành sau khi những đợt phong tỏa kéo dài liên quan đến COVID-19 và tình trạng gián đoạn giao thông bắt đầu trong năm 2020.

Nhìn chung, hai quốc gia Á-Âu này là các cường quốc sản xuất các mặt hàng thiết yếu như lúa mì. Gần ⅓ nguồn cung lúa mì của thế giới đến từ Nga và Ukraine.

Tính đến ngày 24/03, giá hàng hóa ngũ cốc đã tăng 26% trong vòng một tháng và được giao dịch ở mức hơn 10.70 USD/giạ.

Trong thế giới tiêu dùng, khó khăn kinh tế đối với lúa mì thể hiện ở việc thiếu các mặt hàng như mì ống, bánh mì, ngũ cốc, và thực phẩm chiên.

Cuộc chiến của Nga đối với Ukraine cũng đang ảnh hưởng đến giá của các sản phẩm thực phẩm khác, bao gồm ngô, sữa, trứng, dầu ăn làm từ hạt, và thịt.

Tuy nhiên, một số quốc gia Mỹ Latinh có vị trí lý tưởng để vào cuộc nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt.

Argentina là một trong những nước sản xuất lúa mì, đậu nành, và thịt hàng đầu thế giới.

Hôm 19/03, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản Argentina, ông Julian Dominguez, thông báo nước này đang kỳ vọng một vụ thu hoạch lúa mì kỷ lục trong mùa này.

Ông Dominguez nói, “Chúng tôi cũng đã quyết định, để nắm bắt giá quốc tế, mở ra các kỷ lục xuất cảng cho vụ thu hoạch 22/23, với tổng số 8 triệu tấn lúa mì, ngoài 2 triệu tấn đã được chấp thuận.” 

Một tài xế xe tải đi ngang qua một đồn điền đậu nành ở ngoại ô Buenos Aires, Argentina, hôm 24/01/2022. (Ảnh: Reuters/Agustin Marcarian)

Ngoài ra, ông giải thích mục tiêu cuối cùng là cung cấp cho các nhà sản xuất nông nghiệp khả năng dự đoán về việc gieo hạt lúa mì và đạt được kỷ lục sản xuất mới là 25 triệu tấn.

Ông Dominguez nói thêm, “Cuộc khủng hoảng thế giới ảnh hưởng đến chúng tôi, nhưng nó cũng đặt ra trước chúng tôi thách thức về việc củng cố cam kết của chúng tôi đối với an ninh lương thực toàn cầu, cũng như sản xuất nhiều hơn và theo cách bền vững hơn.”

Trong khu vực, Brazil, Chile, Paraguay, Uruguay, và Peru, cũng là những nước xuất cảng lúa mì lớn.

Một số quốc gia phải chịu đựng tình trạng khan hiếm lương thực và giá cả tăng cao hơn những quốc gia khác.

Mặc dù Hoa Kỳ ít có khả năng chứng kiến bất kỳ sự thiếu hụt lớn nào, nhưng lạm phát giá đã đang diễn ra.

Trong khi đó, các quốc gia Âu Châu phụ thuộc vào nhập cảng và các quốc gia kém phát triển hơn về kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn và có khả năng phải đối mặt với nhiều kệ hàng trống hơn trong các cửa hàng. Điều này đặc biệt có vấn đề ở những vùng mà tình hình vốn dĩ đã nguy ngập.

Một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới từ năm 2021 ước tính rằng ít nhất 155 triệu người chịu đựng tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và cần hỗ trợ khẩn cấp tại 55 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ yêu cầu sự trợ giúp từ bên ngoài. Đây là mức cao nhất trong năm năm theo báo cáo của tổ chức nhân đạo này.

Các khu vực bị ảnh hưởng bởi sự khan hiếm bao gồm phần lớn các quốc gia Phi Châu, Trung Đông, một số khu vực ở Mỹ Latinh, và một số quốc gia Đông Nam Á.

Nhà phân tích hàng hóa David Tonyan nói với The Epoch Times: “Hoa Kỳ sẽ không thiếu hụt nhưng sẽ chứng kiến giá cao hơn.”

Các yếu tố khác làm vấn đề nghiêm trọng thêm bao gồm chi phí vận chuyển tăng cùng với việc các nhà cung cấp phân bón không có khả năng đáp ứng nhu cầu toàn cầu và tình trạng giá cả cao hơn xảy ra sau đó.

Một ảnh tư liệu về người nông dân Hoa Kỳ Roger Murphy đang bón phân xuống đất vào ngày 23/04/2020, gần Dwight, Illinois. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Tuy nhiên, những biến số này đã có ở khắp nơi trước khi Nga tiến hành cuộc tấn công vào Ukraine hôm 24/02.

Đối với ông Tonyan, chi phí và sự khan hiếm của phân bón là một thách thức đáng kể đối với an ninh lương thực toàn cầu.

“Đối với tôi, mối quan tâm chính trên toàn cầu là phân bón … chứ không phải là tất cả các biện pháp trừng phạt. Việc hàng hóa xuất cảng ra khỏi các cảng của Ukraine bị thâm hụt được xem là một trong những vấn đề chính. Mặc dù người mua đang tránh các sản phẩm xuất xứ từ khu vực đó, [vốn] sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực ở các nước đang phát triển.

Ông giải thích, “Hoa Kỳ có vị trí tương đối tốt ở đây với chuỗi cung ứng phân bón mạnh mẽ của riêng mình, mặc dù giá cả vẫn sẽ cao chừng nào xung đột còn tiếp diễn.”

Giá phân bón toàn cầu đã tăng vào năm ngoái (2021). Theo Ngân hàng Thế giới, nhu cầu mạnh mẽ từ các vùng trồng lương thực chủ chốt khiến chi phí tăng cao, vốn đã tăng sẵn do nguồn cung hàng hóa bị thắt chặt hơn.

Một số nhà kinh tế dự đoán tác động thực sự của sự gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây nhất sẽ không thể hiện ra trong sáu tháng và cho rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra về tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao.

Các kệ trống cho mì ống được nhìn thấy tại một siêu thị hôm 13/01/2022, ở Monterey Park, California. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Ông Curtis R. Youngs, phó giám đốc chương trình chăn nuôi và thú y tại Trung tâm Sinh kế Nông thôn Bền vững, nói với The Epoch Times rằng tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng thực phẩm là điều cần thiết trong các nỗ lực giảm thiểu.

Ông giải thích, “Tất nhiên, công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất các nguồn thực phẩm thô truyền thống, [như] cây trồng, cá, thực phẩm nguồn gốc động vật, cũng như để tạo ra các nguồn thực phẩm mới, có thể góp phần đáng kể vào nhiệm vụ của xã hội nhằm đạt được an ninh lương thực toàn cầu.”

Ông Youngs nói thêm rằng những điều chỉnh chiến lược trong sản xuất cây trồng có thể giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt.

Ông đưa ra ví dụ về việc tăng sản lượng thực phẩm ăn được bằng cách giảm sản xuất “nguồn thực phẩm tiềm năng” dành cho mục đích không ăn được, như trồng cải dầu (canola) cho người thay vì hạt cải dầu công nghiệp (rapeseed), một sản phẩm thường được sử dụng cho chất bôi trơn công nghiệp.

Hơn nữa, sự ổn định trong chi phí vận tải toàn cầu, đặc biệt là so với giá dầu thô, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong lạm phát hàng hóa lương thực trong tương lai gần, theo một số chuyên gia.

Cô Autumn Spredemann là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.

Nhật Thăng biên dịch,  tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement