Biến đổi khí hậu đe dọa sự an toàn của hàng tỉ người trên trái đất (vnu.edu.vn)
Biến đổi khí hậu đe dọa sự an toàn của hàng tỉ người trên trái đất
Trong những thập niên gần đây, biến đổi khí hậu đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Hàng loạt các hiện tượng cực đoan như bão, lũ, xâm nhập mặn, hạn hán đã và đang đe doạ trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt của con người, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế xã hội của nhân loại.
Biến đổi khí hậu là gì?
Biến đổi khí hậu trái đất là sự biến đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Biến đổi khí hậu có thể là do các quá trình nội tại tự nhiên hoặc các tác động bên ngoài, hoặc do những biến đổi kéo dài của tác động nhân tạo đối với các thành phần của khí quyển hoặc mặt đệm.
Hiện nay con người đang tác động đến khí hậu địa phương và ảnh hưởng của con người đến khí hậu toàn cầu sẽ tăng lên trong tương lai, chủ yếu là làm biến đổi thành phần của khí quyển trái đất thông qua phát thải khí nhà kính.
So với thời tiết, khí hậu ổn định hơn, song không phải bất biến. Trong lịch sử, khí hậu đã có những thay đổi không nhỏ với những thời kỳ băng hà xen kẽ những thời kỳ ấm hơn. Tuy nhiên, những thay đổi này đều diễn ra từ từ, kéo dài hàng nghìn, thậm chí hàng vạn năm và hầu như chưa làm cho nhiệt độ trung bình toàn cầu của trái đất tăng vọt lên, vượt ra ngoài khả năng tự điều chỉnh của nó như ngày nay.
Các biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu có thể nhận thấy, đó là: sự tăng lên của nhiệt độ trung bình toàn cầu, sự tăng lên của mực nước biển do băng tan, sự tăng lên của các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, giá rét, hạn hán, bão, mưa lớn, lũ lụt...
Phát thải do con người gây ra đã làm thay đổi hành tinh một cách nguy hiểm và vĩnh viễn
Mới đây, ngày 9/8/2021, IPCC, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã công bố báo cáo quan trọng về khí hậu, khẳng định phát thải do con người gây ra đã làm thay đổi hành tinh một cách nguy hiểm và vĩnh viễn.
Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm từ lở đất ở Ấn Độ, nắng nóng khắc nghiệt và hỏa hoạn ở Bắc Mỹ, lũ lụt ở châu Âu và Trung Quốc... trong những tháng gần đây chỉ là “màn dạo đầu” về những gì sẽ xảy ra nếu Trái đất tiếp tục nóng dần lên. Khi khí hậu đã biến đổi, thiên tai sẽ gia tăng về cường độ và tần suất, trừ khi chúng ta nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải, chủ yếu là khí carbon (CO2).
Ông Alok Sharma, chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, cho biết: "Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện diện khắp nơi trên thế giới. Nếu không hành động bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những tác động tồi tệ nhất đến sinh mạng, sinh kế và môi trường tự nhiên”. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, để phát triển bền vững, hạn chế tác hại xấu do biến đổi khí hậu, các chính phủ và doanh nghiệp cần giảm phát thải ngay lập tức. Do rất khó bỏ carbon ra khỏi khí quyển, điều quan trọng nhất là không tạo ra phát thải ngay từ đầu bằng cách ngừng trợ cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, dừng các dự án thăm dò dầu khí mới…
Bên cạnh đó là việc khôi phục và bảo vệ rừng tự nhiên càng nhiều càng tốt. Cây xanh sẽ hạn chế phát thải nhà kính, điều hòa nhiệt độ, sản sinh ô xy để con người được hít thở không khí trong lành hơn. Các hồ nước tự nhiên, sông, biển cũng cần được bảo vệ và gìn giữ, không để ô nhiễm nguồn nước, hạn chế rác thải.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: TTXVN.
Đứng trước những biến đổi của khí hậu toàn cầu, nhu cầu nhân lực công tác trong các lĩnh vực Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Tài nguyên và môi trường nước, Khí tượng và khí hậu học, Khoa học thông tin địa không gian, Công nghệ quan trắc và Giám sát tài nguyên môi trường,... là rất lớn. Đây chính là lực lượng mũi nhọn của mỗi quốc gia trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đưa ra các khuyến nghị sử dụng tài nguyên hợp lý,... giúp đất nước phát triển bền vững.
Theo Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đe dọa tăng trưởng kinh tế dài hạn, giảm nghèo và phát triển bền vững. Tính dễ tổn thương của Việt Nam gia tăng do Việt Nam vốn đã chịu nhiều rủi ro thiên tai có liên quan đến khí hậu, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế và các vùng đồng bằng và ven biển mặt độ dân cư cao cũng như các nhóm dân cư là người dân tộc thiểu số tại các vùng cao và hẻo lánh. Nhiệt độ tăng, hạn hán và lụt lội ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tăng tần suất các cơn bão đe dọa an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam. |
0 Nhận xét