Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trịsố 3-2020 (LLCT)
-Bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa an ninh phi truyền thống là yêu cầu cấp thiết của các quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Đối với nước ta, các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, rất cần đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện thực trạng, dự báo xu hướng vận động và phát sinh, phát triển của các vấn đề an ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số, để từ đó có các giải pháp xử lý thích đáng.
*
Từ khóa: an ninh phi truyền thống, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
1. Nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh phi truyền thống
Khái niệm An ninh phi truyền thống được các học giả trên thế giới đề cập từ thập niên 90 thế kỷ XX, tức là sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Từ đó đến nay, an ninh phi truyền thống trở thành mối quan tâm lớn của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, là một trong những chủ đề quan trọng được bàn luận trên nhiều diễn đàn khu vực, quốc tế, cũng như trong nhiều nội dung của các quan hệ song phương và đa phương. An ninh phi truyền thống là một quan niệm mới về một trạng thái an ninh khác với an ninh truyền thống, nó phản ánh sự thay đổi nhận thức của con người về an ninh và sự mở rộng nội hàm khái niệm an ninh quốc gia. Nếu an ninh truyền thống coi an ninh quốc gia là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa hoặc tấn công bằng chính trị, quân sự từ bên ngoài và bên trong thì an ninh phi truyền thống không chỉ bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn bảo vệ con người, bảo vệ cộng đồng, nó mang tính xuyên quốc gia do những mối uy hiếp, đe dọa của các nhân tố bên trong và bên ngoài đối với môi trường sinh tồn và phát triển của cộng đồng xã hội và công dân của mỗi quốc gia trong mối quan hệ chặt chẽ với khu vực và thế giới.
Sự xuất hiện an ninh phi truyền thống không làm phai nhạt và biệt lập với an ninh truyền thống vì hai vấn đề này luôn đan xen nhau và có thể chuyền hóa lẫn nhau trong điều kiện nhất định. Trong thế giới hiện đại, an ninh của mỗi quốc gia vừa bao hàm an ninh chính trị, quân sự truyền thống và đang đối mặt với nhiều thách thức phi truyền thống như kinh tế, văn hóa, xã hội, thông tin, môi trường, tài nguyên, chủ nghĩa khủng bố, v.v.. Từ đó an ninh quốc gia được bổ sung những nội dung mới, tạo ra những thay đổi mang tính lịch sử trên những bình diện sau:
Thứ nhất, tranh chấp quyền lực, lãnh thổ truyền thống đang từng bước chuyển hóa thành tranh chấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tranh chấp quyền lực cứng và quyền lực mềm để mở rộng không gian ảnh hưởng phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ hai, tận dụng ưu thế về khoa học công nghệ, tiềm lực kinh tế to lớn, các cường quốc phương Tây luôn chủ động sử dụng các thủ đoạn làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, khó khăn ở các nước kém phát triển, các nước theo chế độ XHCN để buộc các quốc gia này phụ thuộc vào khu vực ảnh hưởng của mình.
Thứ ba, tiến trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã tạo ra cơ hội phát triển mới của các quốc gia dân tộc, đồng thời cũng xuất hiện những nguy cơ rất dễ đổ vỡ trong xã hội hiện đại. Nguy cơ mất an ninh mạng, sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí thông minh có sức mạnh hủy diệt, ô nhiễm môi trường trái đất và xung quanh trái đất, sự khốc liệt của thiên tai, dịch bệnh đang tăng lên hàng ngày, sự băng hoại đạo đức hay rối loạn tâm lý, khủng hoảng niềm tin của giới trẻ do áp lực của cuộc sống... đang khiến nhân loại ngày càng thiếu an toàn và rủi ro.
Thứ tư, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tôn giáo cực đoan ngày càng phát triển và luôn thực hiện các hoạt động chống phá xã hội bằng các thủ đoạn bạo lực và nhiều thủ đoạn tinh vi khác. Đây chính là những uy hiếp nghiêm trọng đối với an ninh của mọi quốc gia.
Thứ năm, trong quá trình phát triển, nhân loại đang đối mặt với những nguy cơ từ chính sự “phát triển” của mình, đó là sự cạn kiệt tài nguyên, nhiệt độ trái đất tăng lên, nước biển dâng, môi trường sống xấu đi, dịch bệnh đối với con người, cây trồng và vật nuôi... ngày càng diễn biến phức tạp.
Thứ sáu, trong tiến trình toàn cầu hóa, khi “biên giới cứng” giữa các quốc gia hầu như bị phá vỡ mà “ biên giới mềm” chưa thể tạo thành hàng rào an ninh hiệu quả cao, an ninh của các quốc gia dân tộc trở nên phức tạp khó lường do sự tác động của các yếu tố từ bên ngoài và nằm ngoài sự mong đợi cũng như vượt qua sự cảnh giác, đề phòng của con người. Điều này cũng có nghĩa là áp lực ngày càng lớn, nguy cơ ngày càng cao đối với an ninh quốc gia.
Đối với nước ta, trước Đại hội XI, Đảng Cộng sản Việt Nam tuy chưa chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống nhưng đã từng chỉ ra những dấu hiệu, những vấn đề của an ninh phi truyền thống. Đại hội VIII (6-1996) cho rằng: “Thế giới đứng trước nhiều vấn đề có tính toàn cầu (bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những bệnh tật hiểm nghèo...), không một quốc gia nào có thể tự giải quyết, mà phải có sự hợp tác đa phương”(1). Đại hội IX (tháng 1-2001) tiếp tục khẳng định và bổ sung thêm vấn đề chống tội phạm quốc tế vào nội dung này. Đại hội X bổ sung và phát triển: “Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức phối hợp giải quyết; khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng lớn; sự gia tăng dân số cùng với các luồng di cư; tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị hủy hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu, kèm theo những thiên tai khủng khiếp; các dịch bệnh lớn, các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng tăng”(2). Tại Đại hội XI (tháng 4-2011), Đảng ta chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống với các vấn đề được chỉ ra, như: chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế bùng nổ dân số, phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh hiểm nghèo(3). Đại hội XII (tháng 1-2016) chỉ ra một số vấn đề toàn cầu như: an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố(4). Đồng thời có lưu ý đến “các hình thái chiến tranh kiểu mới” với hàm ý khả năng chuyển hóa giữa an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống.
Trong cuốn “Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” do Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông làm đồng chủ biên định nghĩa: “An ninh phi truyền thống có thể hiểu là một loại hình an ninh xuyên quốc gia do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi nước, cả khu vực và toàn cầu. Nội dung của an ninh phi truyền thống là những vấn đề bức thiết đang nổi lên hiện nay như: cạn kiệt tài nguyên, bùng nổ dân số, môi trường sinh thái cạn kiệt, xung đột tôn giáo, dân tộc, nghèo đói, bệnh tật, tội phạm rửa tiền,... An ninh phi truyền thống ngày càng có biểu hiện sâu đậm trong đời sống quốc tế và thành vấn đề toàn cầu, an ninh toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa càng phát triển thì theo đó, an ninh phi truyền thống càng lan rộng hơn và đậm nét hơn”(5).
2. Những nhân tố làm phát sinh vấn đề an ninh phi truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay cư trú trên địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Vùng dân tộc và miền núi nước ta chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên, bao gồm 21 tỉnh miền núi vùng cao, 23 tỉnh có huyện, xã là núi và 10 tỉnh đồng bằng có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Trong lịch sử phát triển đất nước, địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số là địa bàn chiến lược xung yếu, là phên dậu trấn giữ, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó, đời sống của đồng bào không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn, như: Hiện đang tồn tại một số thực trạng như: nghèo đói kinh niên chưa được đẩy lùi trong các nhóm dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc; có sự chênh lệch đáng kể về mức sống giữa các hộ dân tộc Kinh và hộ dân tộc thiểu số sống trong cùng địa bàn; các hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn còn gặp phải nhiều rào cản trong việc tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho sản xuất như giáo dục, vốn, thị trường và đất nông nghiệp... Theo TS Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban dân tộc: 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay có khoảng 13,4 triệu người. Gần 1/3 số hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo, 7 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, cá biệt có những nhóm tỷ lệ nghèo rất cao như Ơ Đu (66,3%), Co (65,7%), đáng quan ngại nhất là có tới 21,8% tỷ lệ người dân tộc thiểu số chưa biết đọc, viết tiếng phổ thông. Như vậy, nếu mỗi năm giảm 1,2% tỷ lệ xóa mù thì có dân tộc phải mất 25 năm mới xóa mù chữ(6)... và đặc biệt xu hướng sống xen kẽ giữa các dân tộc ngày càng có chiều hướng gia tăng...Đây là một trong những vấn đề chứa đựng những yếu tố liên quan trực tiếp đến lĩnh vực an ninh phi truyền thống mà kẻ địch đã và đang ra sức lợi dụng để xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Từ những vấn đề cơ bản, có thể khái quát những phát sinh của an ninh phi truyền thống đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số như sau:
Một là, vấn đề về an ninh con người được bộc lộ qua tình trạng đói nghèo, suy dinh dưỡng, bạo lực gia đình và xã hội, an toàn tính mạng, buôn bán phụ nữ và trẻ em, thể hiện qua an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, bình đẳng giới.
Hai là, vấn đề về an ninh kinh tế thể hiện qua an ninh lương thực, phân hóa giàu nghèo, bóc lột, việc làm, thu nhập, tiếp cận thị trường, các kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế.
Ba là, các vấn đề thông tin, truyền thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, vấn đề về xung đột tôn giáo - tín ngưỡng, mâu thuẫn tôn giáo; tình trạng chia rẽ dân tộc, ly khai, khủng bố; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; vấn đề “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ vùng dân tộc.
Năm là, vấn đề phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội, bất bình đẳng xã hội giữa các cộng đồng dân tộc. Thực trạng y tế, giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay và những vấn đề đặt ra.
Xem thêm: Sinh Tháng 11 Là Cung Gì ? Những Điều Cần Biết Về Người Sinh Tháng 11
Sáu là, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập văn hóa quốc tế; tệ nạn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; trật tự, an toàn xã hội.
Bảy là, vấn đề biến đổi khí hậu; suy kiệt tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường sinh thái.
Tám là, vấn đề tranh chấp đất đai, định canh, định cư, di cư tự do; việc quản lý, phân bổ, sử dụng và thụ hưởng các nguồn lực phát triển, các nguồn năng lượng.
Chín là, vấn đề bản sắc tộc người, biến đổi cơ cấu tộc người, hôn nhân cận huyết, tảo hôn, hôn nhân xuyên biên giới; chia rẽ dân tộc, xung đột sắc tộc, mâu thuẫn sắc tộc. Vấn đề đoàn kết xã hội, hội nhập xã hội và bình đẳng dân tộc...
Từ những vấn đề cơ bản trên, có thể thấy rõ quy mô, tính chất tác động của những nguy cơ an ninh phi truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta là rất gay gắt, lâu dài, mang tính xuyên quốc gia, khu vực và toàn cầu. Việc ngăn chặn và ứng phó với những nguy cơ này không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà đòi hỏi sự chủ động và tích cực hợp tác chặt chẽ của tất cả các nước, của các tổ chức quốc tế và khu vực, của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng xã hội. Nguy cơ do an ninh phi truyền thống gây ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động tổng hợp trên các lĩnh vực của đời sống; trong đó, quốc phòng, an ninh là lĩnh vực trọng yếu, chịu sự tác động lớn.
3. Một số giải pháp nhằm ứng phó với những tác động của an ninh phi truyền thống đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Giải pháp 1: Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn các dân tộc thiểu số sinh sống, nâng cao ý thức cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ Tổ quốc theo yêu cầu của thời kỳ mới. Quán triệt và giáo dục sâu rộng mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho toàn xã hội, đặc biệt là cho nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; tăng cường tuyên truyền, trao đổi thông tin về các mối đe dọa an ninh, quốc phòng. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của chính quyền các cấp, của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Kịp thời đập tan mọi hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chống lại chính quyền, tiến hành bạo loạn; kiên quyết xử lý theo pháp luật những kẻ ngoan cố chống đối; đồng thời kiên trì thuyết phục, vận động những người nhẹ dạ, cả tin nghe theo kẻ xấu quay về với buôn, làng sống yên ổn và tuân theo luật pháp; đối xử bình đẳng với những người có quá khứ lầm lỗi đã biết ăn năn hối cải...góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giải pháp 2: Tiếp tục thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết dân tộc bằng việc đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả các chương trình, dự án ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc, trước hết tập trung phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, phát huy thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái, “Chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho từng giai đoạn”(7), “Nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình. Kiên quyết giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế - xã hội trong mọi tình huống. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”(8). Phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Theo đó, tạo mọi điều kiện giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện công bằng xã hội, nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo, được học hành, vui chơi, được hưởng thụ các nhu cầu về văn hóa theo bản sắc, truyền thống của từng dân tộc, phát triển về khoa học - công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe...Đó là cách thiết thực nhất để đồng bào tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, vào chế độ XHCN, không còn ai nghe theo kẻ xấu xúi giục làm điều xấu gây mất đoàn kết, chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc... và đó đồng thời cũng là những vấn đề cơ bản tạo nền tảng vững chắc cho việc đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình hiện nay.
Giải pháp 3: Tích cực, chủ động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chống kẻ thù lợi dụng vấn đề dân tộc để chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc. Trong cuộc đấu tranh với nguy cơ tác động từ các nhân tố an ninh phi truyền thống của các thế lực địch hiện nay, một mặt phải thường xuyên vạch trần âm mưu thâm độc, mục đích xấu xa của kẻ thù cho nhân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới biết; mặt khác, cần vận động bảo vệ đồng bào các dân tộc thiểu số, để đồng bào tự vạch mặt, chỉ tên bọn xấu cùng những thủ đoạn xảo trá của chúng hòng chia rẽ đồng bào, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, trong đó nhất là các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực an ninh phi truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Các phương tiện thông tin đại chúng cần đầu tư để phục vụ tốt hơn cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng chống lại âm mưu của kẻ thù hòng chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Giải pháp 4: Đổi mới công tác dân vận vùng dân tộc thiểu số theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương pháp phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số phải biết tiếng dân tộc và thực hiện tốt phong cách công tác dân vận: trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân. Chú ý việc nắm tình hình và vận động đồng bào thông qua những người có uy tín trong cộng đồng, như người có công với cách mạng, già làng trưởng bản, trưởng dòng họ... Đội ngũ cán bộ thuộc các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở phải có kiến thức toàn diện, trong đó cần thiết phải có hiểu biết về các vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong tình hình hiện nay, biết cách tuyên truyền cho dân nghe, dân hiểu về những nguy cơ tác động của nó đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình công tác, mỗi cán bộ phải thực sự gương mẫu trước nhân dân, nói và làm theo đúng chính sách dân tộc của Đảng, không quan liêu, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền để kẻ thù lợi dụng chia rẽ cán bộ với nhân dân, chia rẽ dân tộc này với dân tộc khác.
Giải pháp 5: Mở rộng quan hệ đối ngoại, “Đầu tư thích đáng và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu;...”(9); đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, các cơ quan an ninh, cảnh sát của các nước trong vấn đề an ninh phi truyền thống, đấu tranh chống khủng bố, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế, với các tổ chức quốc tế có liên quan; chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước ASEAN trong đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, đặc biệt trong hợp tác quốc tế phải có chọn lọc, có trọng tâm trọng điểm,... góp phần giảm thiểu tác động của các nguy cơ an ninh phi truyền thống đối với nước ta nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Vấn đề an ninh phi truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung rất quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình hiện nay. Bởi “các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng khó khăn về đời sống, trình độ dân trí thấp của đồng bào và những sai sót của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta để kích động, chia rẽ các dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị”(10). Đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống vừa là yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc, vừa là điều kiện quan trọng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực của toàn xã hội, sự quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với những giải pháp, biện pháp phù hợp và hiệu quả.
_________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.77.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.74.
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69.
(4) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 71-72.
(5) Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên): Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.15.
(7), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.144 -145, 150, 145.
(10) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.33.
0 Nhận xét