An ninh phi truyền thống” - những thách thức mang tính toàn cầu

 

https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/An-ninh-phi-truyen-thong---nhung-thach-thuc-mang-tinh-toan-cau-i23939/



“An ninh phi truyền thống” - những thách thức mang tính toàn cầu


Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, vốn từ vựng chính trị thời sự quốc tế xuất hiện nhiều cụm từ mới như: “thế giới sau 11-9”, “cuộc chiến chống khủng bố”, “thánh chiến”, “ngoại giao phòng ngừa”, “thư có chất bột trắng”, “an ninh phi truyền thống”...

“An ninh phi truyền thống” là một cụm từ mới được xuất hiện chính thức trong “Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống” thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 6 tại Phnôm Pênh, Campuchia ngày 1/11/2002.

Trong tuyên bố này, các nhà  lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc bày tỏ “sự quan ngại về những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng như buôn lậu, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao”. Như vậy “an ninh phi truyền thống” được hiểu là các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm khủng bố và ma túy đe dọa an ninh khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trong và ngoài khu vực.

Trong thời đại toàn cầu hóa, tính phức tạp và nguyên nhân sâu xa của những vấn đề “an ninh phi truyền thống” tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và sự đồng thuận cao giữa các nước ASEAN về việc hợp tác với các nước đối thoại (ASEAN + 1, ASEAN + 3), các thể chế chính trị - kinh tế quốc tế lớn (EU, ASEM, APEC) và giữa khu vực Đông Nam Á với Đông Bắc Á, nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia.

Những vấn đề “an ninh phi truyền thống” đã vượt  khỏi phạm vi lợi ích an ninh quốc gia của một nước, trở thành những thách thức mang tính toàn cầu, bởi lẽ hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế, nhất là khủng bố bằng vũ khí sinh, hóa học, bệnh dịch là “không biên giới”. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh với những vấn đề “an ninh phi truyền thống” đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế bằng những giải pháp và bước đi hài hòa kết hợp kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học kỹ thuật và các mặt khác.

Trong 5 năm gần đây, đặc biệt kể từ khi ký Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực “an ninh phi truyền thống” tháng 11/2002 đến nay, “an ninh phi truyền thống” là một hướng hợp tác mới được các nước ASEAN triển khai có hiệu quả với các nước đối thoại, nhất là với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU và các tổ chức quốc tế trong hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó cần nhấn mạnh kết quả hợp tác trong lĩnh vực thực hiện “Chương trình chiến lược hợp tác chống ma túy ASEAN năm 2000”; “Tuyên bố chung Bắc Kinh về hợp tác chống ma túy năm 2001”; “Tuyên bố ASEAN về hợp tác chống khủng bố”; “Tuyên bố chung ASEAN - Hoa Kỳ về hợp tác chống khủng bố” tháng 8/2002; “Tuyên bố chung ASEAN - EU về hợp tác chống khủng bố” tháng 1/2003; “Tuyên bố Bali II” tháng 10/2003 về xây dựng cộng đồng ASEAN; các hội nghị về diễn đàn khu vực ARF.

Quá trình hợp tác, các bên đã xác định những lĩnh vực ưu tiên và hình thức hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống, cụ thể như sau: Trong giai đoạn hiện nay cần ưu tiên đấu tranh với các hoạt động khủng bố, buôn bán ma túy, buôn người, cướp biển, buôn bán vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 12/2005, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí bổ sung hợp tác về các vấn đề an ninh năng lượng, xử lý thiên tai, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm đang lan rộng. Về hình thức: mở rộng hợp tác song phương và đa phương nhằm tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi nhân sự, đào tạo, nâng cao năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường phối hợp các hoạt động thực tiễn về các vấn đề an ninh phi truyền thống mới nảy sinh; đẩy mạnh nghiên cứu chung về các vấn đề an ninh phi truyền thống; tiếp tục khai thác những lĩnh vực và phương thức hợp tác mới.--PageBreak--

Các chương trình, kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống mà mục tiêu chính là chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, khẳng định sự cần thiết khách quan hợp tác song phương và đa phương giữa các nước ASEAN với các nước đối thoại, trước hết là hợp tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy những nỗ lực trong quản lý và đấu tranh chống tội phạm thông qua cơ chế hiện hành của ASEAN, AMMTC, ASEANAPOL và mối quan hệ phối hợp với EUROPOL và INTERPOL. Gần đây nhất, tại cuộc hội thảo của ARF về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hợp tác “an ninh phi truyền thống” tổ chức tại Trung Quốc tháng 3/2005, các nước ASEAN và 13 nước đối thoại đã bàn bạc thống nhất một số hướng hợp tác chủ yếu trong lĩnh vực “an ninh phi truyền thống” như sau:

- Tăng cường trao đổi thông tin chính xác, hiệu quả về các vấn đề “an ninh phi truyền thống”.

- Tổ chức  nghiên cứu hệ thống, toàn diện về các vấn đề an ninh phi truyền thống, kêu gọi, khuyến khích các chính khách, các nhân vật nổi tiếng, các chuyên gia ARF đóng góp vào công tác này.

- Xây dựng các kế hoạch hành động nhằm triển khai các quyết định, các tuyên bố của ARF và ASEAN với các nước đối thoại về các vấn đề “an ninh phi truyền thống”.

- Tăng cường hợp tác giúp đỡ xây dựng năng lực; thiết lập cơ chế cảnh báo sớm, nhất là trong việc ngăn ngừa thảm họa thiên tai và các dịch bệnh.

- Nâng cao nhận thức và vận động công chúng tham gia đối phó với các mối đe dọa “an ninh phi truyền thống”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Công an Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác với Cơ quan an ninh, cảnh sát các nước về đấu tranh chống khủng bố, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; nghiên cứu những vấn đề “an ninh phi truyền thống” và thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực, quốc tế và với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ký kết nhiều văn bản hợp tác phòng chống các loại tội phạm; thành lập Tổ công tác ARF của Bộ Công an nhằm nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ tham gia các hoạt động của ARF đặc biệt về chuyên đề “an ninh phi truyền thống”; chú trọng các mối quan hệ hợp tác và điều phối giữa Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) và các cơ quan chức năng của ASEAN trong phòng chống các loại hình hoạt động khủng bố, nhất là tìm kiếm các giải pháp đấu tranh với các hình thức khủng bố, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính và chuyển giao tội phạm để đưa ra xét xử; tăng cường công tác kiểm soát biên giới, quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh nhằm phát hiện và ngăn chặn các đối tượng khủng bố, nghi khủng bố và các loại tội phạm khác xâm nhập Việt Nam


Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement