An ninh sinh học trở thành vấn đề cấp bách với thế giới

 

An ninh sinh học trở thành vấn đề cấp bách với thế giới - Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn)

Trong nhiều năm, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã bỏ qua an ninh sinh học vì các nhà hoạch định chính sách thường đánh giá thấp cả ảnh hưởng tiềm năng lẫn khả năng xảy ra các mối đe dọa sinh học. Nhưng đại dịch COVID-19 đã tàn phá đời sống của con người và nền kinh tế của nhiều quốc gia, dẫn tới nguy cơ bùng phát các bệnh virus nguy hiểm hơn.

Mặt khác, những tiến bộ trong sinh học tổng hợp (SynBio) đã làm xuất hiện những mối đe dọa liên quan tới các mầm bệnh nhân tạo được “sáng chế” ra trong các phòng thí nghiệm, làm dấy lên mối lo ngại ngày càng tăng về các cuộc tấn công và khủng bố sinh học tiềm năng. Để ngăn chặn hiệu quả đại dịch (tự nhiên hoặc nhân tạo) trong tương lai, cũng như để tăng cường khả năng phục hồi, các quốc gia cần phát triển các hệ thống cảnh báo sớm, năng lực giám sát dịch bệnh và các biện pháp đối phó y tế, bao gồm cả vaccine “thế hệ mới”.

Những hiểm họa ngày càng rõ 

Với gần nửa triệu người chết ở Mỹ và hàng triệu người chết ở các nơi khác trên toàn thế giới, Mỹ và hầu hết các quốc gia khác đang phải trả giá cho sự lơ là, xem nhẹ vấn đề an ninh sinh học, không xem đó là mối ưu tiên hàng đầu của an ninh quốc gia. Mặc dù virus SARS-CoV-2 mới chỉ là một loại virus có khả năng lây truyền cao với độc lực khá thấp nhưng nó cũng đã gây ra những tàn phá to lớn cả về con người và về kinh tế, đại dịch này cũng hé lộ cho thấy sự yếu kém trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế thế giới, kể cả ở những nước tiên tiến như Mỹ và Anh.

Sự xâm lấn của con người vào những khu vực trước đây chỉ dành để bảo tồn động vật hoang dã cũng như việc xuất hiện các khu chợ buôn bán động vật hoang dã đã làm tăng sự tiếp xúc giữa người và động vật và tăng khả năng truyền virus từ các loài vật sang người. Trong một thế giới kết nối chặt chẽ như thế giới của chúng ta hôm nay, việc dịch bệnh mau chóng lan truyền khắp các châu lục chỉ sau một vài ngày là điều dễ hiểu.

An ninh sinh học trở thành vấn đề cấp bách với thế giới -0
Phòng thí nghiệm an toàn cao (cấp độ 4) tại Viện nghiên cứu Robert Koch ở Berlin, Nơi lưu giữ và nghiên cứu những loại virus nguy hiểm nhất thế giới.

Mức độ nguy hiểm đến từ những con virus do chính con người tạo ra cũng ngày càng tăng cao. Những tiến bộ trong sinh học tổng hợp đã tạo ra ngày càng nhiều những loại virus cực kỳ nguy hiểm, số lượng những người tiếp cận với thứ công nghệ lưỡng dụng tiềm ẩn nguy cơ này ngày càng tăng cao (trên thế giới hiện có tới 40 phòng thí nghiệm “an toàn sinh học” ở cấp độ cao nhất: cấp độ 4, ngoài ra còn có hàng ngàn phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3, đó là những nơi lưu trữ và xử lý các mầm bệnh nguy hiểm nhất). Sự gia tăng nhanh chóng số lượng các phòng thí nghiệm loại này đồng nghĩa với việc tăng khả năng thực tế là những kẻ khủng bố sẽ tìm cách tự chế tạo hay đánh cắp những con virus khủng khiếp đó và phát tán ra thế giới.

Vì vậy ngay từ bây giờ các quốc gia sẽ phải nhìn nhận các nghiên cứu sinh học được quân sự hóa, cũng chính là những mối đe dọa đầy hiểm nguy cho hành tinh giống như các nghiên cứu hạt nhân/nguyên tử đã được dùng cho các mục đích quân sự. Về mặt xã hội, dễ thấy rằng những cuộc khủng bố sinh học sẽ gây ra nhiều hỗn loạn cũng như di chứng hơn cả những vụ tấn công bằng bom hạt nhân.

Những biện pháp cấp bách

Ngay từ bây giờ cộng đồng quốc tế cần phải chuẩn bị đối phó với đại dịch tiếp theo hoặc với một vụ khủng bố sinh học quy mô lớn để đảm bảo khả năng phục hồi về thể chất, tâm lý và kinh tế. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi vì trong lĩnh vực an ninh sinh học, những rủi ro ban đầu dẫu chỉ có quy mô rất nhỏ vẫn có thể nhanh chóng bùng phát thành một đại dịch, vì vậy việc xây dựng các chính sách hiệu quả để dự đoán chúng là rất khó khăn.

Quy mô toàn cầu của các mối đe dọa an ninh sinh học lại là một thách thức khác. Trong một thế giới gắn kết chặt chẽ như hiện nay, nơi virus có thể lây lan từ đầu này sang đầu kia của hành tinh trong vòng chưa đầy 24 giờ, một cách tiếp cận có tính phối hợp là rất quan trọng.

An ninh sinh học trở thành vấn đề cấp bách với thế giới -0
Những khu chợ buôn bán động vật hoang dã như thế này cần được kiểm soát nghiêm ngặt về sức khỏe và môi trường.

Phòng ngừa

Cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa các vật liệu sinh học có nguy cơ độc hại cũng như kiểm tra lý lịch và sàng lọc kỹ càng hơn với các nhà khoa học làm việc tại các cơ sở nghiên cứu/ xử lý các mầm bệnh nguy hiểm. Như một nhà khoa học đã từng lưu ý: “Mỗi người làm việc trong HCBL (phòng thí nghiệm sinh học độ nguy hiểm cao) là một biến số độc lập mà các hành động của họ không thể kiểm soát được ngay cả bằng các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt nhất. Nhiều nhà khoa học hơn có nghĩa là có nhiều khả năng một trong số họ có ý định xấu hoặc tâm lý không ổn định. Kiểm tra lý lịch, kiểm tra tâm lý và thường xuyên phỏng vấn có thể làm giảm những rủi ro này”.

Bản thân cộng đồng nghiên cứu cũng sẽ phải cảnh giác và duy trì các kênh liên lạc với các cơ quan chức năng. Bởi cộng đồng quốc tế đã thành công trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của vũ khí hóa học thông qua Công ước về Vũ khí Hóa học (CWC), do Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) kiểm soát, vì thế một cách tiếp cận tương tự là một điểm khởi đầu tốt về an toàn sinh học và kiểm soát vũ khí sinh học.

Để ngăn chặn các đại dịch tự nhiên, các biện pháp sau cũng có thể có tác động đáng kể. Các dạng “chợ ẩm ướt”, nơi bán động vật hoang dã và thịt của chúng, cần phải đóng cửa hoặc phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về sức khỏe và môi trường.

Cảnh báo sớm

Trong tương lai, chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện để xác định các mầm bệnh có khả năng bùng phát thành đại dịch và dập tắt chúng ngay tại nguồn. Việc này sẽ không dễ dàng, bởi có một số quốc gia thường chọn cách bưng bít tin xấu hơn là chia sẻ nó vì lợi ích chung. Vì thế một hệ thống cảnh báo sớm như vậy nên được đặt dưới sự chỉ đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Hệ thống cảnh báo sớm này (do WHO quản lý) có thể dựa trên mạng lưới cảm biến sinh học và thông tin tình báo từ mọi nguồn để phát hiện dịch bệnh do virus. Hệ thống này cần bao gồm cả các cơ sở y tế địa phương và phương tiện truyền thông xã hội, những đơn vị này sẽ nhanh chóng thông báo về sự gia tăng nhẹ các ca nhiễm virus hoặc về những căn bệnh mới khi chúng vừa mới xuất hiện.

Hệ thống cảnh báo sớm cũng cần thực hiện hoạt động giám sát các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 và 4, để nhanh chóng phát hiện ra các vụ rò rỉ, trộm cắp hay tai nạn. Nếu trường hợp cần thiết, hệ thống cảnh báo sớm này sẽ nhanh chóng kích hoạt việc phong tỏa để ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh.

An ninh sinh học trở thành vấn đề cấp bách với thế giới -0
Đại dịch COVID-19 như một lời cảnh báo cho các quốc gia về những nguy cơ khủng bố sinh học và nhu cầu phải tăng cường an ninh sinh học.

Tăng cường năng lực y tế và các biện pháp đối phó.

Tất cả các quốc gia cần tăng cường năng lực về an toàn sinh học của mình, bao gồm thiết bị y tế, đào tạo nhân viên và các biện pháp đối phó y tế (MCM). Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đã có 54 loại vaccine được thử nghiệm lâm sàng trên người, trong đó có 17 loại vaccine đã chứng minh được tính hiệu quả của nó: đó là làm giảm đáng kể nguy cơ do virus gây ra và thậm chí có khả năng diệt trừ tận gốc virus giống như đã làm với virus đậu mùa và các loại virus khác.

Một số quốc gia áp dụng các biện pháp ngăn chặn, giãn cách xã hội và truy tìm dấu vết của những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh, dù đã đạt được một số thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus nhưng các biện pháp đối phó y tế vẫn là cách duy nhất để thực sự kiểm soát được virus. Trong tương lai, lường trước được các mối đe dọa sinh học, nhà nước nên ứng tiền đặt hàng cho ngành dược phẩm để nghiên cứu các phương pháp điều trị và sản xuất các loại vaccine thế hệ mới, thay vì đợi đại dịch bùng phát rồi mới chi một số tiền khổng lồ để dập dịch.

Công tác truyền thông

Truyền đạt thông tin đến công chúng là điều cần thiết để đạt được hiệu quả. Giành được sự tin tưởng của công chúng là chìa khóa để thành công. Các nhà chức trách có thể áp đặt hoặc khuyến khích việc đeo khẩu trang và thực hành giãn cách xã hội, nhưng sự hưởng ứng của công chúng mới là yếu tố quyết định để bảo đảm cho sự thành công của các phương thức này.

Nếu số lượng thông tin sai lệch và mức độ hấp thụ thông tin sai lệch trong công chúng vượt xa thông tin chuẩn xác, khi đó mọi quyết sách trong lĩnh vực y tế công cộng, dẫu có đúng đắn đến đâu đi nữa, cũng rất khó thành công. Mỹ là một những nước cung cấp hay viện trợ vaccine đứng đầu thế giới, tuy nhiên lại là nơi có tỷ lệ tiêm chủng không cao, nguyên nhân cũng là việc một bộ phận công chúng Mỹ đã bị thao túng bởi dòng thác của những thông tin giả và nhiễu loạn.

An ninh sinh học trở thành vấn đề cấp bách với thế giới -0
Việc tràn ngập thông tin sai lệch khiến  cho việc đạt được sự đồng thuận của công chúng đối với các biện pháp ứng phó của y tế công cộng trở nên khó khăn hơn.

Khung pháp lý toàn cầu

Công ước về vũ khí sinh học và độc tố (BTWC) được phê chuẩn vào năm 1975 nhằm ngăn chặn sự phát triển và phổ biến vũ khí sinh học. Tuy nhiên, nó không như Công ước Vũ khí Hóa học (CWC) bởi không hề tồn tại một cơ quan giống như Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) để kiểm soát việc thực thi BTWC.

Nếu thành lập được một cơ quan kiểm soát sinh học như vậy, đó sẽ là điều kiện lý tưởng cho việc chia sẻ dữ liệu đa phương và điều tra các vi phạm. Nhưng việc thành lập một tổ chức như vậy sẽ đòi hỏi phải có đầy đủ thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đặc biệt là các thành viên thường trực đồng ý. Cách duy nhất có thể là thành lập tổ chức tương tự thuộc về một "liên minh của những quốc gia tự nguyện" để tạo thành một cơ quan hữu hiệu với sự tham gia của các nền kinh tế hàng đầu.

Dương Thái

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement