An ninh, an toàn hàng hải cho biển Đông

 

https://tuoitre.vn/an-ninh-an-toan-hang-hai-cho-bien-dong-447363.htm

An ninh, an toàn hàng hải cho biển Đông

TT - Việt Nam đề nghị tất cả các nước phải triệt để tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

 

 

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm khẳng định như vậy khi phát biểu tại Hội nghị ngoại trưởng các nước Đông Nam Á lần thứ 44 (AMM 44) tổ chức ở Bali, Indonesia ngày 19-7.

Ông Khiêm nhấn mạnh hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên biển Đông là quan tâm, lợi ích chung và nguyện vọng thiết tha của khu vực và tất cả các nước. Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực của ASEAN, tích cực trao đổi, hướng tới hoàn tất dự thảo hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về diễn biến mới này cũng như những lo ngại là ASEAN không đủ sức mạnh và sự đoàn kết để giúp các thành viên giải quyết xung đột với nhau, hoặc giữa thành viên với đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Ngoại trưởng Indonesia - nước đang nắm quyền chủ tịch ASEAN - tiến sĩ Marty Natalegawa nói: “Nếu thật sự điều đó diễn ra, đó cũng chưa phải là cuối con đường. Còn về đề nghị đưa bên thứ ba phân xử có thể là một sáng kiến bổ sung, tăng cường sức mạnh giúp giải quyết nhanh hơn vấn đề. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, tất cả các bên, hoặc hai bên liên quan phải cùng đồng ý với đề xuất đó. Thế nhưng, tôi chưa chắc chắn cả Philippines lẫn Trung Quốc hoặc các bên liên quan đều thống nhất cách làm này”.

Cũng theo thông tin từ hội nghị, các quan chức cao cấp của ASEAN (SOM) sẽ khởi động tham vấn trong ASEAN về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và báo cáo kết quả tại cuộc họp cấp cao ASEAN 19 vào cuối năm 2011. SOM cũng đã có được dự thảo mới về hướng dẫn thực thi DOC và hi vọng ASEAN - Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận khi hai bên gặp nhau ngày 20-7-2011. COC được xem là có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan về vấn đề biển Đông, khác với DOC.

Bên lề các hội nghị ngày 19-7, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã tiếp xúc song phương với Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario.

Trước đó, khai mạc AMM 44, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã lên tiếng thúc giục ASEAN cần đảm bảo một tương lai tích cực qua việc giải quyết vấn đề tranh chấp và căng thẳng trên biển Đông hiện nay.

Tổng thống Yudhoyono đã nhấn mạnh về sự cần thiết tạo ra các tiến bộ trong xử lý các vấn đề trên biển Đông. Ông tỏ ra không hài lòng với tiến độ mà ASEAN và Trung Quốc đang thực hiện liên quan tới các hướng dẫn thực thi DOC.

“Mọi việc không nhất thiết phải chậm chạp như vậy - ông nhận xét - Tuyên bố đầu tiên về biển Đông của ASEAN ra đời cách đây đã lâu, từ năm 1992. Phải mất 10 năm sau đó ASEAN và Trung Quốc mới có thể đạt được thỏa thuận DOC. Nhưng chín năm sau đó chúng ta vẫn chưa thể hoàn tất các hướng dẫn thực thi DOC”.

Tổng thống Yudhoyono đã thúc giục các bên “đi nốt quãng đường cuối cùng còn lại” để cho ra một thỏa thuận nhằm xây dựng lòng tin với nhau. “Chúng ta cần phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ cho thế giới thấy rằng tương lai của biển Đông là có thể dự báo được, có thể quản lý được và sẽ có giải pháp tích cực”.

Ông cũng kêu gọi các bên nhanh chóng hoàn tất hướng dẫn thực thi DOC để đi tới bước tiếp theo, tức là thỏa thuận các quy tắc nằm trong COC.

Chiều 19-7, tiếp xúc với giới báo chí, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết sau khi thông báo chi tiết với các bộ trưởng ASEAN về đề xuất của Philippines về việc định nghĩa vùng biển nào ở biển Đông đang bị tranh chấp, nước ông buộc phải đưa vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) phân xử. Ông nhấn mạnh Philippines tìm kiếm sự phân xử của bên thứ ba theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).

“Chúng tôi cho rằng phải thông qua các quy định thực thi DOC, nhưng cũng sẽ là thiếu thực tế nếu chỉ thông qua các quy định đó mà không có những khuôn khổ đi kèm có thể đối phó được với những tranh chấp đang diễn ra ở một số khu vực hiện nay” - Ngoại trưởng Albert del Rosario nói.

Ông cho biết AMM đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này sau khi xuất hiện những yếu tố khiến cục diện thay đổi. “Đó là việc Trung Quốc đưa ra đòi hỏi về đường chín đoạn. Yếu tố này không có tại thời điểm năm 2002 khi ASEAN và Trung Quốc ký kết DOC mà chỉ xuất hiện năm 2009. Do vậy, yếu tố này cần phải được xem xét” - ông nhấn mạnh.

Ông thúc giục ASEAN đoàn kết và đồng lòng yêu cầu Trung Quốc làm rõ định nghĩa và những cơ sở khi đưa ra đòi hỏi về đường chín đoạn. Singapore đã yêu cầu Trung Quốc định nghĩa và làm rõ yêu sách này, Philippines và Indonesia đã đưa vấn đề này lên Liên Hiệp Quốc. Ông cũng cho biết một đoàn chuyên gia luật từ các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông sẽ đến Philippines vào tháng 9-2011 để đánh giá các tiêu chí trước khi đệ trình vấn đề lên Liên Hiệp Quốc vào tháng 11-2011.

Ông Del Rosario nói: “Chúng tôi phải tìm các cơ chế giải quyết tranh chấp khác mà tự chúng tôi vẫn có thể đưa vấn đề ra được”. Công ước của Liên Hiệp Quốc cung cấp cho một bên trong tranh chấp có thể đơn phương tìm kiếm hai trọng tài cũng như sự hòa giải bắt buộc. Philippines cũng đề xuất các khu vực không tranh chấp có thể trở thành “khu vực hòa bình, tự do, hợp tác và hữu nghị”.

Đồng tình với ý kiến của ngoại trưởng Philippines, phóng viên Estrella Torres (báo Business Mirror, Philippines) bày tỏ: “Là người dân Philippines, tôi tin chính phủ đã có quyết định đúng khi đưa vấn đề ra tòa án quốc tế. Dư luận Philippines cho rằng Trung Quốc không nên đưa quân và các tàu hải giám ra các vùng đang tranh chấp trên biển Đông, vì như vậy là vi phạm DOC mà nước này đã ký với ASEAN. Tôi ủng hộ quyết định của chính phủ thành lập một cơ chế dựa trên các quy tắc của ASEAN phù hợp với luật quốc tế”.

Báo cáo hằng năm của cơ quan quân sự Đài Loan ngày 19-7 nhận định mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan hiện nay lớn hơn bao giờ hết, bất chấp việc Đài Bắc trong suốt ba năm qua đã cố gắng tìm cách hòa dịu với Bắc Kinh, AFP ngày 19-7 cho biết.

Báo cáo có đoạn viết: “Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn tiếp tục triển khai nhiều vũ khí mới tại khu vực Quảng Đông và Phúc Kiến”.[...] “Việc nâng cao khả năng chiến đấu tầm xa (ám chỉ rõ ràng tới hơn 1.000 tên lửa đạn đạo được triển khai dọc bờ biển) cho thấy Trung Quốc vẫn chưa thay đổi ý định đe dọa và xâm chiếm quân sự đối với Đài Loan”.

KHỔNG LOAN (từ Bali, Indonesia)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement