Hợp tác vì an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông (anninhthudo.vn)
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp kiều bào tại Mỹ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”
- Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố
- Cộng đồng ASEAN đoàn kết, trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19
Hội nghị quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng tại Campuchia đánh giá cao lập trường đúng đắn của Việt Nam về vấn đề Biển Đông |
Thách thức an ninh ngày càng nghiêm trọng
Phát biểu tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) diễn ra ở Thủ đô Phnom Penh của Campuchia trong 2 ngày 17 và 18-5, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông hết sức quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực và cộng đồng ASEAN. Vì vậy, theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, việc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xúc tiến sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả là vấn đề cần thiết hiện nay.
Nhìn nhận và quan điểm giải quyết các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh ở Biển Đông của Việt Nam được đưa ra tại diễn đàn ADSOM+ trong bối cảnh vùng biển là không gian sinh tồn của nhiều quốc gia ASEAN, đồng thời liên quan tới lợi ích chiến lược của nhiều quốc gia trên toàn cầu này đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Những mối đe dọa với hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là tham vọng đòi chủ quyền phi pháp.
Trung Quốc từ lâu đã lộ rõ tham vọng “độc chiếm” Biển Đông khi liên tiếp đưa ra hết yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò chín đoạn” hay “đường chín đoạn”) rồi lại thuyết “Tứ sa” để đòi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ về sức mạnh kinh tế và quân sự, Trung Quốc ngày càng quyết liệt và hung hăng hơn trong việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, nhất là sau khi bị Tòa thường trực quốc tế (PCA) bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Dùng sức mạnh để áp đặt, hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông là chính sách và hành động nhất quán của Trung Quốc khi họ lần lượt dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam năm 1974; cưỡng chiếm các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam năm 1988… Trung Quốc cùng với đó huy động sức mạnh nhằm ráo riết quân sự hóa Biển Đông khi biến các đảo, thực thể chiếm đóng trái phép thành các căn cứ quân sự quy mô lớn để kiểm soát, khống chế cả vùng biển chiến lược rộng tới 3,5 triệu km2 này.
Những động thái mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm 2022 tới nay cho thấy, Bắc Kinh chưa khi nào ngừng nghỉ trong việc tiến hành các hoạt động quân sự hóa vùng biển chiến lược này. Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, hồi tháng 3 vừa qua đã cho rằng Trung Quốc có thể đã xây xong cơ sở quân sự trên 3 thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị họ chiếm đóng trái phép. Ba thực thể gồm Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập này thực sự đã trở thành những căn cứ quân sự lớn ở Biển Đông với sân bay có đường băng dài tới 3.000m, cảng nước sâu cùng hệ thống radar và vũ khí hiện đại.
Toan tính kiểm soát Biển Đông càng lộ rõ hơn khi Trung Quốc thời gian qua đã lần lượt thông qua Luật Hải cảnh và Luật An toàn hàng hải mới. Hai đạo luật đơn phương này mở đường cho lực lượng sức mạnh của Trung Quốc kiểm soát tàu thuyền, đồng thời có thể sử dụng vũ khí nhằm vào các tàu thuyền mà Bắc Kinh tuyên bố là đi vào “lãnh hải” của họ ở Biển Đông.
Giải pháp đúng đắn ở Biển Đông
Bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp trả tham vọng đòi chủ quyền phi pháp, ứng phó với thách thức thức an ninh cùng mối đe dọa tự do hàng hải, hàng không xuất phát từ Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong khu vực Biển Đông và các nước liên quan nhằm bảo vệ không gian sinh tồn, lợi ích hợp pháp, lợi ích chiến lược của mình. Bên cạnh nỗ lực, quyết tâm của mỗi quốc gia, các nước trong khu vực, trong đó có các thành viên ASEAN, rất coi trọng hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với mối đe dọa an ninh chung, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trung Quốc càng gia tăng các hành vi hòng hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông thì cộng đồng quốc tế, đi đầu là các cường quốc có lợi ích sống còn gắn với tuyến vận tải biển, hàng không huyết mạch này của cả thế giới cũng như các quốc gia khu vực, cũng càng gia tăng các biện pháp ứng phó, đáp trả ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Trong nỗ lực chung đó, các quốc gia ASEAN luôn nêu vấn đề Biển Đông trong tất cả diễn đàn khu vực và quốc tế, đồng thời tìm kiếm lập trường chung, cùng sự hợp tác để ứng phó.
Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ lần thứ hai diễn ra trong 2 ngày 12 và 13-5 vừa qua tại Thủ đô Washington của Mỹ, lãnh đạo ASEAN và Mỹ khẳng định phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Tổng thống chủ nhà Joe Biden đã khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin ở khu vực, nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi phát biểu tại Hội nghị đã tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982. Thủ tướng hoan nghênh các đối tác ủng hộ ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Lập trường đúng đắn, xuyên suốt của Việt Nam trong việc ứng phó với thách thức an ninh chung, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông một lần nữa được khẳng định tại ADSOM+ diễn ra ở Phnom Penh khi Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, việc tuân thủ DOC và xúc tiến sớm ký kết COC thực chất và hiệu quả là vấn đề cần thiết hiện nay. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta khẳng định, Việt Nam luôn kiên trì giải quyết mọi bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Quan điểm của Việt Nam được các đại biểu tham dự ADSOM+ đánh giá cao, đưa vào nội dung bàn thảo và văn kiện của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) diễn ra vào tháng 6-2022 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) vào tháng 11 năm nay.
0 Nhận xét