https://www.mard.gov.vn/Pages/bao-dam-an-ninh-luong-thuc-quoc-gia-den-nam-2030.aspx?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 (mard.gov.vn)
An ninh lương thực quốc gia là vấn đề quan trọng của đất nước trước mắt cũng như lâu dài. Để triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, ngày 25 tháng 03 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
Theo đó, trên quan điểm là an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. An ninh lương thực quốc gia phải gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Bảo đảm an ninh lương thực cho người dân trong mọi tình huống là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội; không chỉ tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, mà còn bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế. Gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong khẩu phần ăn của người dân.
Với mục tiêu là bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống và một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người dân Việt Nam.
Ngoài ra, bảo đảm nguồn cung lương thực, bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân, bảo đảm nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:
* Đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất lương thực, gắn với thị trường: Cơ cấu lại trồng trọt theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền; gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đáp ứng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; Đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, chú trọng các đối tượng nuôi chủ lực, gắn với cấp mã vùng, truy xuất nguồn gốc. Giảm khai thác thủy sản ven bờ, phát triển khai thác hải sản xa bờ bền vững.
* Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lương thực: Tiếp tục đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai hiện đại, đồng bộ; bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho đất chuyên trồng lúa và tăng diện tích tưới cho cây trồng cạn. Phát triển thủy lợi đa mục tiêu, ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Tập trung đầu tư phát triển cảng cá kết hợp với khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá.
* Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực: Tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với cây lúa, cây ăn quả tập trung chọn tạo các giống giàu dinh dưỡng, chịu mặn, chịu hạn, chịu úng. Nghiên cứu vắc xin vật nuôi thế hệ mới phòng các bệnh nguy hiểm; phát triển công nghệ chế biến sâu các sản phẩm vật nuôi đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), gắn với cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm; thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất lương thực; Đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; Phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi; Phát triển hệ thống thông tin, truyền thông về an ninh lương thực quốc gia; Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai hiện đại, đồng bộ đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm. Tổ chức thực hiện hiệu quả các Luật: Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản; các Chiến lược phát triển: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản và các Quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp, làm cơ sở định hướng và phân bổ hợp lý, hiệu quả yếu tố đầu vào (đất đai, tài nguyên, vốn, nhân lực, khoa học...) phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế. Nghiên cứu bổ sung, ban hành các chế tài đủ sức răn đe để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm và an ninh lương thực quốc gia./ T.H
T.H (tổng hợp)
0 Nhận xét