CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM XUYÊN QUỐC GIA TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 Công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới (thegioiluat.vn)



CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM XUYÊN QUỐC GIA TRONG TÌNH HÌNH MỚI

TCCS - Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là khái niệm để chỉ sự câu kết hoặc tụ hợp của những kẻ cùng tham gia vào một hay nhiều hoạt động bất hợp pháp có tính xuyên biên giới mà mục đích đầu tiên là thu lợi nhuận. Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay là góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị và phát triển đất nước.

1 - Nhận diện tội phạm xuyên quốc gia và thực trạng tình hình tội phạm xuyên quốc gia ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xuyên quốc gia trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Khi xu hướng toàn cầu hóa bắt đầu xuất hiện, các hình thức tội phạm xuyên quốc gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là buôn bán ma túy và các loại tội phạm mang lại lợi nhuận cao như hoạt động buôn bán vũ khí, buôn người, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao... Bên cạnh đó, nhiều hoạt động buôn bán phi pháp khác cũng xuất hiện và gia tăng như buôn bán động vật quý hiếm, các tác phẩm nghệ thuật, cổ vật bị đánh cắp và tội phạm quốc tế liên quan đến thẻ tín dụng... Những dòng người, dòng tiền và hàng hóa chuyển từ nước này sang nước khác trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là điều kiện thuận lợi để tội phạm mở rộng các hoạt động như: buôn lậu; buôn bán phụ nữ, trẻ em; đưa người ra nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp...

Khi thương mại toàn cầu tăng nhanh, bên cạnh các luồng hàng hóa hợp pháp được lưu chuyển toàn cầu, thì luồng hàng hóa phi pháp cũng tăng lên. Các hoạt động kinh doanh phi pháp của tội phạm xuyên quốc gia mang tính toàn cầu hóa, ngày càng mở rộng địa bàn, tận dụng ưu thế của các thị trường. Trong khi các hoạt động thương mại hợp pháp chịu sự điều chỉnh của các chính sách kiểm soát tại biên giới và các hệ thống quản lý tập trung thì các nhóm tội phạm xuyên quốc gia tự do hoạt động và tận dụng những "lỗ hổng" của luật pháp và sử dụng những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để tăng cường hoạt động, đồng thời xuất hiện những dịch vụ phi pháp cho hoạt động tội phạm xuyên quốc gia như: cung cấp giấy tờ giả mạo, cung cấp dịch vụ tài chính, kế toán và pháp luật.

Các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia khai thác triệt để việc giảm bớt các quy định quốc tế, kiểm soát biên giới và việc khuyến khích tự do để mở rộng phạm vi hoạt động ở nhiều quốc gia trên thế giới; câu kết với nhau ngày càng thường xuyên, chặt chẽ hơn, nhằm tận dụng điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của mỗi tổ chức, phân chia các hoạt động phạm tội, giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện.

Việt Nam sau khi trở thành thành viên của WTO và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới có nhiều yếu tố, điều kiện thuận lợi bảo đảm an ninh quốc gia (ANQG), giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH). Nhưng các cá nhân và tổ chức tội phạm quốc tế sẽ lợi dụng xu thế hội nhập, hợp tác đa phương của Việt Nam với các nước để tiến hành các hoạt động tội phạm ngay trên lãnh thổ Việt Nam hoặc lợi dụng lãnh thổ Việt Nam làm địa bàn trung gian. Tội phạm trong nước cũng tăng cường móc nối với tội phạm ở nước ngoài để tiến hành các hoạt động phạm tội. Vì vậy, trong những năm qua, tình hình tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam cũng có xu hướng tăng dần về cả số vụ, việc lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là những hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức mang tính xuyên quốc gia. Nổi lên là:

Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài: Loại tội phạm này ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt hơn như kết hôn giả, lợi dụng miễn thị thực nhập cảnh (visa), sử dụng hộ chiếu giả để đưa phụ nữ và trẻ em Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm, bán làm vợ người nước ngoài, bóc lột sức lao động... tập trung ở một số nước, vùng lãnh thổ như Nga, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po...

Tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép: Hoạt động lừa đảo đưa người Việt Nam ra nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp cũng có chiều hướng tăng, chủ yếu là đưa người Việt Nam sang các nước Đông Âu, Tây Âu, Đông Bắc á (Nhật Bản, Hàn Quốc); Ô-xtrây-li-a, các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Đài Loan....

Tội phạm ma túy: Những năm gần đây, tính quốc tế và các yếu tố liên quan đến nước ngoài của tội phạm ma túy ở Việt Nam rõ nét hơn. Lực lượng chuyên trách của Việt Nam và các nước phát hiện nhiều đối tượng phạm tội ma túy là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam để buôn bán, vận chuyển ma túy. Đồng thời, qua hợp tác quốc tế, các lực lượng chức năng của Việt Nam phối hợp với lực lượng chức năng các nước phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi các nước (Ô-xtrây-li-a, Ca-na-da, Niu Di-lân, Mỹ...) và vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam (Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia...). Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tuyến biên giới đường bộ và tuyến đường biển, đường hàng không.

Tội phạm sản xuất, buôn bán tiền giả, hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu, lừa đảo kinh tế, trốn thuế xuất nhập khẩu ở khu kinh tế thương mại tự do, thương mại điện tử: Hoạt động sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ các loại tiền giả (tiền Việt Nam, ngoại tệ giả) diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng. Nguồn tiền Việt Nam giả chủ yếu được đưa vào trong nước từ khu vực biên giới. Tội phạm là người trong nước thường mua tiền giả ở khu vực biên giới, sau đó đưa vào nội địa tiêu thụ. Nguồn ngoại tệ giả chủ yếu do các đối tượng người nước ngoài mang vào Việt Nam tiêu thụ. Ngoài ra, còn có một số đối tượng người nước ngoài sử dụng séc, thẻ tín dụng giả vào Việt Nam để rút tiền. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội chủ yếu vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng của các nước vào Việt Nam tiêu thụ và vận chuyển xăng dầu, lâm thổ sản quý, hiếm từ Việt Nam ra nước ngoài; lợi dụng những "kẽ hở" của pháp luật, những hạn chế trong công tác quản lý, kiểm soát để trốn thuế.

Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản: Tội phạm nước ngoài lợi dụng "kẽ hở" trong các quy định của Việt Nam về quản lý kinh tế, thành lập các công ty "ma", lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian qua, một số đối tượng người nước ngoài hoạt động dưới hình thức các công ty trách nhiệm hữu hạn, sau đó chiếm đoạt tiền rồi trốn về nước hoặc trốn đi các nước thứ ba.

Tội phạm công nghệ cao: Loại tội phạm này tại Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây với hàng chục vụ liên quan đến việc trục lợi bằng các thẻ tín dụng lấy trộm của người nước ngoài qua mạng in-tơ-net (ATM Cash-out); mang tính phức tạp với các yếu tố công nghệ vô cùng tinh vi như tấn công vào trang điện tử của các doanh nghiệp, cơ sở tài chính, nạn ăn cắp thông tin bảo mật, tin tặc, trộm cắp tiền qua ngân hàng bằng thiết bị công nghệ cao, trộm cắp phí viễn thông...

Tội phạm do người Việt Nam ở nước ngoài gây ra rồi trốn về Việt Nam: Trong những năm qua, ở một số nước xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm người Việt Nam, với các hoạt động như: buôn lậu (ma túy, vũ khí...); lừa đảo; bắt cóc tống tiền; giết người cướp tài sản; rửa tiền; buôn bán phụ nữ, trẻ em... Thông qua hợp tác quốc tế, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng nằm trong các băng nhóm tội phạm người Việt ở nước ngoài câu kết với bọn tội phạm trong nước tiến hành các hoạt động buôn lậu, chuyển tiền bất hợp pháp, bắt cóc, đòi nợ thuê, hình thành các đường dây buôn lậu, buôn người... Hầu hết các băng nhóm tội phạm người Việt ở nước ngoài đều có sự câu kết với các băng nhóm tội phạm ở Việt Nam và các nước khác để tiến hành các hoạt động phạm tội xuyên quốc gia.

Tội phạm do người nước ngoài gây ra ở Việt Nam: Hiện nay, có gần 400.000 người nước ngoài đang làm ăn sinh sống tại Việt Nam (trong đó số người mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc chiếm khoảng 40%). Nhiều đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hoạt động phạm tội mới như lừa đảo bằng thẻ tín dụng, lừa đảo thông qua việc thực hiện hợp đồng kinh tế qua mạng In-tơ-net, tội phạm công nghệ cao...

Các đối tượng phạm tội thường tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong quản lý cũng như trong đấu tranh phòng, chống tội phạm như lĩnh vực tài chính ngân hàng, lĩnh vực đầu tư giáo dục, chứng khoán... với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp là Việt kiều hoặc người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư kinh doanh nhưng thực chất là để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân người Việt Nam cũng như của Nhà nước. Thời gian gần đây xuất hiện nhiều đối tượng gốc Phi, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, In-đô-nê-xi-a... đến Việt Nam "cư trú lỳ" móc nối với các đối tượng trong nước và các nước khác gây ra nhiều vụ phạm tội như lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật, gây mất an ninh trật tự (ANTT), nhất là ở các thành phố lớn.

Hoạt động khủng bố liên quan đến Việt Nam: ở Việt Nam tuy chưa xảy ra hoạt động khủng bố, nhưng các mục tiêu của khủng bố quốc tế đã và đang xuất hiện ngày một nhiều tại Việt Nam, như đại diện công ty nước ngoài; khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam... Trong bối cảnh đi lại thông thương giữa các nước trong khu vực, việc một số nước lân cận Việt Nam gia tăng các hoạt động phòng, chống khủng bố làm cho các đối tượng khủng bố có thể dạt vào Việt Nam ẩn náu, chờ cơ hội hoạt động...

2 - Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở Việt Nam

Trước thực tiễn tình hình tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam, lực lượng Công an Nhân dân (CAND) đã và đang áp dụng nhiều biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, góp phần tích cực giữ vững ANQG, TTATXH, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lực lượng cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thi hành pháp luật nước ngoài điều tra làm rõ được nhiều vụ án, khám phá bóc gỡ hàng trăm đường dây buôn lậu ma túy, đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em xuyên quốc gia... Qua kênh hợp tác Interpol, cảnh sát Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hàng chục ngàn lượt thông tin liên quan đến công tác truy nã quốc tế, thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy xuyên quốc gia. Phối hợp điều tra khám phá, bóc gỡ được hàng chục đường dây vận chuyển ma túy từ Việt Nam ra nước ngoài cũng như nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có những đường dây buôn lậu ma túy lớn liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời hàng trăm vụ lừa đảo có tính chất xuyên quốc gia có thể gây thất thoát lớn cho tài sản nhà nước; đã xác minh làm rõ hàng ngàn đối tượng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư tại nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam hoặc nước sở tại, làm rõ tư cách pháp nhân của gần 200 tổ chức (chủ yếu là các công ty, ngân hàng, quỹ tín dụng...) liên quan đến các hoạt động tội phạm kinh tế như rửa tiền, buôn lậu, lừa đảo. Phối hợp khám phá và bóc gỡ hàng chục đường dây buôn lậu thuốc lá, xe ô-tô, xăng dầu, rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại. Qua kênh hợp tác Interpol, lực lượng cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ và trao trả hàng chục đối tượng truy nã cho cảnh sát nước ngoài; phối hợp với cảnh sát các nước bắt giữ nhiều đối tượng có lệnh truy nã của cảnh sát Việt Nam. Phối hợp với Interpol ban hành hàng trăm lệnh truy nã quốc tế của tổ chức này đối với các đối tượng truy nã của Việt Nam phạm tội nghi trốn ra nước ngoài. Lực lượng công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp xác minh làm rõ được hàng ngàn đối tượng phạm tội hình sự liên quan hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia...

Những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của lực lượng Cảnh sát Việt Nam trong những năm qua là rất tích cực, góp phần bảo đảm ANQG, giữ gìn TTATXH, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới và phục hồi sau khủng hoảng; sự tranh giành ảnh hưởng của các quốc gia, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp thương mại trong bối cảnh toàn cầu hóa... sẽ làm gia tăng các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia, tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Dự báo trong những năm tới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia sẽ tiếp tục hoạt động phức tạp, liên quan nhiều tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam bằng những thủ đoạn tinh vi và với nhiều mục đích khác nhau về chính trị, kinh tế, xã hội... Tội phạm lừa đảo có tổ chức xuất hiện với quy mô, mức độ nghiêm trọng ngày càng cao. Tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại sẽ đa dạng về hình thức, ngày càng tinh vi về thủ đoạn. Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, nhất là nạn sản xuất, lưu hành tiền giả, đột nhập vào hệ thống ngân hàng phá vỡ hệ thống bảo mật để ăn cắp dữ liệu nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội phạm buôn bán, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ... sẽ xuất hiện nhiều hơn; có thể sẽ hình thành những đường dây buôn bán vũ khí với quy mô ngày càng lớn dần. Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; tội phạm đánh bạc xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng. Tội phạm trộm cắp cước viễn thông tiếp tục xảy ra một cách tinh vi và phức tạp. Tội phạm buôn bán ma túy diễn biến khó lường; trong thời kỳ hội nhập chúng ta phải hết sức cảnh giác với xu thế ma túy gắn liền với tội phạm có tổ chức, băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen"... Ngoài ra, những tội phạm khác, như xâm phạm sở hữu trí tuệ, buôn bán động vật quý hiếm, hủy hoại môi trường, cướp biển... cũng sẽ diễn biến phức tạp.

Để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển đất nước, theo chúng tôi, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra những chủ trương, chính sách, tiến hành đồng bộ các biện pháp chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục...; củng cố và hoàn thiện phương thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội, nâng cao trình độ dân trí, kiềm chế đến mức thấp nhất tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trước hết, cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài...; xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, như nghiên cứu ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với các nước. Chủ động ký kết các thỏa thuận hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan đến phòng, chống tội phạm, nhằm tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; Kế hoạch tổng thể và Chương trình hành động phòng, chống ma túy; Chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và toàn dân trong phòng, chống tội phạm; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, qua đó các cấp, các ngành và người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan thi hành pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; xây dựng thế trận "an ninh nhân dân" vững chắc làm nền tảng cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng.

Ba là, tăng cường hợp tác với cơ quan cảnh sát, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp các nước mà ở đó tình hình tội phạm liên quan đến Việt Nam có những diễn biến phức tạp. Chủ động và tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là các tổ chức, hiệp hội thực thi pháp luật mang tính quốc tế như Interpol, Aseanpol, các cơ quan về phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc... Tận dụng tối đa sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; phối hợp với cảnh sát các nước trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia; mở các lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Bốn là, phối hợp với các ngành, các cơ quan trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao... trong nắm tình hình liên quan đến hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia; rà soát, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, các chính sách, văn bản pháp luật... để chủ động phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả. Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia như cung cấp thông tin về hoạt động có dấu hiệu trái pháp luật, lừa đảo, những vấn đề phức tạp liên quan đến doanh nghiệp; tình hình hoạt động của các loại tội phạm hình sự, ma túy để chủ động phối hợp phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả cao.

Năm là, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, chủ động đánh giá thực trạng và dự báo xu thế phát triển của các loại tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam nói riêng. Làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng công an; tập trung nâng cao năng lực của các cơ quan điều tra cũng như hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm. Tăng cường xây dựng lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia theo từng hệ nghiệp vụ từ trung ương đến địa phương nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ án có yếu tố nước ngoài, có tính chất xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam. Chú trọng công tác xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; nâng cao kiến thức về ngoại ngữ, tin học, kiến thức về nghiệp vụ, pháp luật, tập quán quốc tế, đồng thời tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện hiện đại... đáp ứng kịp thời yêu cầu hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát Nhân dân trong tình hình mới./.

Phạm Quý Ngọ




Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement