Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh quốc gia

Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh quốc gia (baoquocte.vn)

Từ trước tới nay, các cuộc tranh luận về hiện tượng toàn cầu nóng lên chỉ tập trung vào việc tìm kiếm những giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch hay giảm hiệu ứng nhà kính…, chứ chưa bao giờ đề cập tới những thách thức về mặt an ninh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách khẳng định rằng nhiệt độ trái đất tăng, nước biển dâng và băng đang tan… là sự đe dọa trực tiếp tới lợi ích an ninh quốc gia.

Ngay đến Mỹ, mặc dù là cường quốc, nhưng chính phủ nước này vẫn coi biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức chiến lược đối với an ninh quốc gia.

Có thể châm ngòi cho chiến tranh

Năm 2003, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo, BĐKH có thể làm mất ổn định môi trường địa chính trị dẫn tới  xung đột, giao tranh, thậm chí là chiến tranh chỉ vì tranh chấp về tài nguyên. Năm 2007, Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ cũng đưa ra cảnh báo tương tự, đồng thời chỉ ra những khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự thay đổi này. Còn nay, Lầu Năm góc thậm chí còn đẩy vấn đề đi xa hơn khi cho rằng những kẻ cực đoan, cụ thể là các tổ chức khủng bố, đang lợi dụng khí hậu biến đổi để tạo ra những đe dọa nghiêm trọng hơn đối với an ninh quốc gia.

Cũng theo Lầu Năm góc, các xung đột bắt nguồn từ BĐKH có thể khiến chính phủ sụp đổ hoặc nuôi dưỡng phong trào khủng bố. Đây cũng là lần đầu tiên, Lầu Năm góc có cái nhìn nghiêm túc về ảnh hưởng của BĐKH đối với an ninh quốc gia. Mỹ cũng cho rằng trong vài thập kỷ tới, chính phủ có thể sẽ phải sử dụng tới quân đội để đối phó với hậu quả bão lũ, hạn hán, di cư trên diện rộng và bệnh tật tràn lan.

Các nghiên cứu của tình báo Mỹ chỉ ra rằng trong vòng 20-30 năm tới, những khu vực bị ảnh hưởng bởi BĐKH sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực, khủng hoảng nước sạch, lụt lội và hạn hán ở mức độ nghiêm trọng. Những khu vực chịu tác động nhiều nhất sẽ là tiểu Sahara châu Phi, Trung Đông và khu vực Đông Nam Á.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hồi tháng 12/2008 đã giả định rằng một trận lụt khủng khiếp tại Bangladesh có thể khiến hàng trăm nghìn người phải di cư sang nước láng giềng Ấn Độ. Từ đó sẽ làm phát sinh các xung đột tôn giáo, bệnh tật lây lan, và phá hủy hạ tầng cơ sở trên diện rộng. Báo cáo này cũng cho rằng cuộc xung đột đẫm máu tại miền Nam Sudan khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng thực chất là hậu quả của nạn hạn hán và tình trạng sa mạc hóa ở miền Bắc nước này.

Bà Amanda J. Dory, quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng đây thực sự là vấn đề phức tạp, lan tỏa nhanh, và một khi bùng nổ thì khó kiểm soát. Bà Dory cũng là người được giao trọng trách đưa vấn đề BĐKH vào chiến lược an ninh quốc gia. Dự kiến trong tháng tới, Thượng viện Mỹ sẽ đưa ra thảo luận vấn đề này.

Thiệt hại khôn lường

Trên thực tế, Mỹ không thể không quan tâm tới BĐKH, bởi chính nước này đã từng hứng chịu những thiệt hại trong quá khứ. Năm 1992, cơn bão Andrew quét qua Florida đã phá hủy một phần căn cứ không quân Homestead. Còn năm 2004, bão Ivan đã phá hủy nặng nề sân bay hải quân Pensacola. Kể từ đó tới nay, Mỹ đã nghiên cứu cách thức bảo vệ các căn cứ hải quân quan trọng tại Norfolk và San Diego trước nguy cơ nước biển dâng và bão lũ hoành hành.

Trong khi đó, băng tan ở Nam Cực cũng là một nguy cơ thực sự. Băng tan nhanh hơn sẽ làm phát sinh các tuyến vận tải cần phải bảo vệ, và tạo ra những nguồn tài nguyên dưới biển vốn đang là tranh chấp mang tính quốc tế. Nói tóm lại, Mỹ cho rằng BĐKH sẽ tạo ra các tác động địa chính trị không nhỏ trên khắp thế giới; đồng thời làm phát sinh nhiều vấn đề khác như nghèo đói, hủy hoại môi trường, và thậm chí làm sụp đổ cả một thể chế.

Mặc dù đã nghiên cứu vấn đề này từ khá lâu, nhưng phải đến gần đây Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao Mỹ mới tính tới hậu quả của BĐKH trong các kế hoạch dài hạn.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement