Biến đổi khí hậu ở Ấn Độ: Nguyên nhân và biện pháp ứng phó

 

Biến đổi khí hậu ở Ấn Độ: Nguyên nhân và biện pháp ứng phó (dangcongsan.vn)

(ĐCSVN) - Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Với dân số 1,25 tỷ người (2017), trong đó 1/3 sống trong nghèo đói, Ấn Độ đang phải đối mặt với hai thách thức lớn nhất, vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh để xóa đói giảm nghèo vừa phải ứng phó với BĐKH.

Theo đánh giá của Chỉ số rủi ro thời tiết toàn cầu (CRI- Climate Risk Index) về mức độ thiệt hại liên quan đến BĐKH (mưa, bão, lũ lụt và các đợt nắng nóng…),  Ấn Độ đã bị thiệt hại lên tới 11,3 tỷ USD trong giai đoạn 1996-2015, so với mức thiệt hại của Thái Lan là 7,6 tỷ USD, của Philippines (2,8 tỷ USD), Nhật Bản (2,4 tỷ USD), Bangladesh (2,3 tỷ USD), Việt Nam (2,1 tỷ USD), Indonesia (1,9 tỷ USD), Myanmar (1,4 tỷ USD) và Hàn Quốc (1,1 tỷ USD).

Ấn Độ chịu tác động vô cùng nghiêm trọng của BĐKH (Ảnh: vov.vn)

Dự đoán nhiệt độ mùa đông tại Ấn Độ sẽ tăng lên tới 3,2 độ C vào năm 2050 và 4,5 độ C vào năm 2080 do khí nhà kính. Nhiệt độ mùa hè sẽ tăng 2,2 độ C vào năm 2050 và 3,2 độ C  vào năm 2080. Những thay đổi nhỏ về khí hậu có thể gây nên những vấn đề lớn về nguồn nước, đặc biệt là tại các vùng hoang mạc và bán hoang mạc như vùng tây bắc Ấn Độ. Do vậy, ảnh hưởng về mặt kinh tế, xã hội và sinh thái của BĐKH ở Ấn Độ rất lớn.

Nguyên nhân của BĐKH ở Ấn Độ

Một là, do khí thải tăng từ sinh hoạt của người dân. Ấn Độ luôn chìm trong một lớp sương mù đặc quánh do đốt rác và chất thải nông nghiệp cùng với khí thải xe cộ, bụi bặm từ các công trình xây dựng và đặc biệt là từ các nhà máy than nhiệt điện.

Việc liên tục phải tiếp xúc với ô nhiễm khói trong nhà là nguyên nhân tử vong của 4,3 triệu người trên khắp thế giới hàng năm và đặc biệt trong đó có 30% là người Ấn Độ. Khói bếp bao gồm carbon đen chính là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm môi trường. Ấn Độ hiện vẫn phải dựa vào việc đốt than đá để sản sinh điện năng, tránh khả năng mất điện và cũng cấp điện năng đủ cho hàng triệu hộ nghèo trong nước.  Những đống rác thải sinh hoạt được đốt xuyên đêm. Bụi từ những dự án xây dựng công nghiệp nằm rải rác khắp thành phố cũng không bị kiểm soát.

Việc gia tăng sản xuất, tiêu dùng mà không kiểm soát việc xử lý khí thải, khai thác tài nguyên thiên nhiên (than, quặng sắt...) cũng đang góp phần gia tăng BĐKH ở Ấn Độ.

Hai là, biến đổi khí hậu do nguồn khí gây hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính gây BĐKH. Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Mỹ), chiếm khoảng 4% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Nguyên nhân là sự tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển dẫn đến tăng hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt khí CO2 được tạo thành do sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên…), phá rừng và chuyển đổi sử dụng đất.  Mặc dù, mức thải CO2 cho mỗi đơn vị khối lượng của từng loại nhiên liệu có khác nhau: than và dầu hỏa góp phần thải CO2 nhiều nhất (khoảng 40%), tiếp theo là khí đốt khoảng 20%.  Sự tăng lên của nhiệt độ bề mặt trái đất với sự tăng lên nồng độ của một số loại khí nhà kính trong khí quyển như CO2 và CH4 có mối liên quan tỷ lệ thuận với nhau.

Nhu cầu về sử dụng năng lượng của nhân loại ngày càng nhiều, trong đó năng lượng hóa thạch chiếm phần lớn. Có 3 lý do khiến nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đó là: sự phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và đô thị hóa. Sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch là nguyên nhân làm tăng đáng kể nồng độ khí CO2 trong khí quyển . Các khí nhà kính tồn tại lâu trong khí quyển được xáo trộn nhanh chóng và làm thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu. Do phát thải khí nhà kính từ bất kỳ ở đâu đều ảnh hưởng đến mọi nơi trên thế giới. Vì vậy, phát thải khí nhà kính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến BĐKH.

Ba là, biến đổi khí hậu do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.  El Nino  là "thủ phạm" chính của đợt nắng nóng trên toàn châu Á thập kỷ qua. Tình trạng nóng ấm toàn cầu do hoạt động của con người góp phần khiến thời tiết khắc nghiệt hơn. Việc sử dụng ngày càng nhiều năng lượng, chủ yếu từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt)  đã thải vào khí quyển ngày càng nhiều các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển, dẫn đến tăng nhiệt độ của trái đất.

Tiêu thụ năng lượng do đốt các nhiên liệu hóa thạch đóng góp 46% vào tiềm năng nóng lên toàn cầu. Phá rừng nhiệt đới đóng góp khoảng 18% và hoạt động nông nghiệp tạo ra khoảng 9% tổng số các khí thải gây ra lượng bức xạ  làm nóng lên toàn cầu. Tăng nồng độ khí nhà kính dẫn đến tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển và kết quả là tăng nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất. Theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC- Intergovernment Panel on Climate Change), nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ có thể tăng 1,1 độ C đến 6,4 độ C trong suốt thế kỷ 21 .

Bốn là, do các đợt gió Lào nóng và khô thổi từ Pakistan. Ấn Độ đang hứng chịu các đợt gió Lào nóng và khô thổi từ Pakistan, trong khi khu vực tây bắc Ấn Độ đang rất khô, điều đó có nghĩa là độ ẩm không khí rất thấp. Khi gió mùa tăng cường, thời tiết càng trở nên khô nóng hơn. Các nước láng giềng Ấn Độ như Pakistan và Afghanistan cũng nóng, với nhiệt độ gần 40 độ C. Tình hình khí hậu ở Ấn Độ thậm chí tồi tệ hơn do mật độ dân đông hơn. Trong khi chỉ 2/3 trong tổng dân số khoảng 1,25 tỉ người ở Ấn Độ được tiếp cận điện.  Nghĩa là, Ấn Độ có tới 400 triệu dân không thể dùng điều hòa hay tủ lạnh. Tại TP Bhubaneswar, thủ phủ bang Odisha, nhiệt độ có lúc đã lên đến 45,8 độ C, cao nhất trong giai đoạn (1985-2015). Thậm chí, nhiệt độ ở bang Rajasthan có lúc tăng lên 51 độ C – mức cao nhất từng được ghi nhận ở Ấn Độ

Năm là, do yếu tố vị trí địa lý của Ấn Độ.  Vị trí địa lý Ấn Độ đa dạng, bao gồm nhiều miền khí hậu khác biệt từ những dãy núi phủ tuyết cho đến các sa mạc, đồng bằng, rừng mưa nhiệt đới, đồi và cao nguyên. Ấn Độ có diện tích 3.287.263 km², xếp thứ 7 trên thế giới về diện tích, trong đó phần đất liền chiếm 90,44%, diện tích mặt nước chiếm 9,56%. Đỉnh núi cao nhất có độ cao 8.598 m, điểm thấp nhất với độ cao -2,2 m.  Ấn Độ nằm trong khu vực nhiệt đới, quanh năm nắng gió. Với độ cao 8.598 m, khí hậu Ấn Độ đa dạng từ khí hậu xích đạo ở cực Nam đến Alpine ở khu vực đỉnh Himalayas. Với yếu tố  địa lý như vậy, các dãy núi cao đã ngăn không khí dịu mát lưu chuyển từ phía đông bắc, khiến Ấn Độ luôn trong tình trạng khí hậu nóng.

Biện pháp ứng phó của Ấn Độ

Trong năm tài khoá 2013-2014, Ấn Độ đã chi gần 92 tỉ USD cho việc thích ứng với BĐKH và những hoạt động liên quan đến BBĐKH. Dự báo, khoản tiền đó sẽ tăng lên tới 360 tỉ USD (2030) . Trong giai đoạn 2016-2017, Ấn Độ có kế hoạch chi ngân sách 3,5 tỷ rupee (khoảng 52,8 triệu USD) cho biện pháp thích ứng với BĐKH.  Những biện pháp ứng phó với BBĐKH được Ấn Độ áp dụng, bao gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh chương trình "bếp sạch". Ấn Độ thúc đẩy mạnh chương trình khuyến khích người dân sử dụng các loại "bếp sạch" như bếp khí hóa sinh khối, bếp điện, bếp dầu.  Ấn Độ coi chương trình "bếp sạch" là một phần trong chương trình hành động quốc gia chống BĐKH. Không chỉ Ấn Độ, mà Trung Quốc và Ethiopia cũng đang đẩy mạnh chương trình "bếp sạch" để chống BĐKH. Chính phủ Ấn Độ nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các loại "bếp sạch".  Tuy nhiên, kết quả gặt hái được rất khiêm tốn. Bởi  các  gia đình hiện đại ở Ấn Độ mặc dù đã có tivi, điện thoại di động... nhưng bếp nấu của họ thì vẫn rất ít thay đổi. Nhiều gia đình vẫn đốt gỗ và phân bò để nấu ăn. Lợi ích về chống BĐKH khi thay bếp cũng không thể đạt độ tuyệt đối hoàn hảo bởi chính bếp ga cũng sản sinh ra khí methane - khí gây ra hiệu ứng nhà kính.  Bếp điện cũng bị ô nhiễm bởi tại Ấn Độ phần lớn điện được sản xuất từ nhà máy điện than. Bếp sạch là một phần trong hành động quốc gia chống BĐKH ở Ấn Độ. Chương trình"bếp sạch" cũng đem tại hiệu ứng tích cực  như  không còn mù mịt khói như  đốt phân bò, than củi. 

Thứ hai, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính. Ấn Độ cam kết dành nhiều nguồn lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm 20 – 25% lượng khí thải vào năm 2020. Theo kịch bản "Cancun-Copenhagen" tại hội nghị thượng đỉnh về  biến đổi khí hậu năm 2010, nếu Ấn Độ hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch để kìm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2OC thì Ấn Độ chỉ mất 1,3% GDP trước năm 2050 và 2,5% GDP trước năm 2100.

Năm 2016, Ấn Độ - một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới- đã phê chuẩn Hiệp định Paris về BĐKH được thông qua tại Hội nghị COP-21 . Theo Hiệp định, Ấn Độ cam kết đảm bảo ít nhất 40% lượng điện được tạo ra từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2030.  Ấn Độ (đóng góp 4,5% khí thải nhà kính toàn cầu) đã trở thành quốc gia 62 trên thế giới phê chuẩn Hiệp định.

Thứ ba, thay đổi các hệ thống nông nghiệp để thích ứng với BĐKH. Việc tìm giống cây phù hợp với nhiệt độ tăng cao là một trong những giải pháp ứng phó với BĐKH. Nông dân Ấn Độ chủ động lựa chọn loại cây trồng và thời gian gieo trồng cho phù hợp với thời tiết. Nếu thời tiết không hạn hán, mùa mưa đến đúng lịch, nông dân sẽ trồng bông vì đây là loại cây trồng có lợi nhất. Nếu mưa ít và đến muộn, nông dân Ấn Độ sẽ  chuyển sang trồng thầu dầu – loại cây chịu hạn hán tốt, có thể đạt năng suất cao ngay cả trong điều kiện thiếu mưa. Khi cần, có thể điều chính lượng nước tưới tiêu từ hệ thống thủy lợi vào đồng ruộng.

Ở Ấn Độ, hơn 60 % diện tích đất nông nghiệp phụ thuộc vào nước mưa. Trước thực trạng thiếu nước nông dân miền Trung Gujarat đã sử dụng nguồn nước ngầm để tưới cây.  Sử dụng nguồn nước ngầm ở miền Trung Gujarat sẽ ít bị ảnh hưởng bởi  biển đổi thời tiết bởi vì họ vẫn có thể tưới tiêu ngay khi thiếu mưa. Nhưng mực nước ngầm hiện đang suy giảm, nông dân Ấn Độ sẽ phải đào giếng sâu hơn nữa, khoan sâu hơn nữa để đối phó với lượng nước đang càng trở nên khan hiếm. Ấn Độ cam kết dành 500 tỷ rupee trong 5 năm (2015-2020) để mở rộng việc tìm kiếm nguồn nước giúp nông dân nâng cao năng suất cây trồng để sản xuất lương thực thực phẩm cho 1,25 tỷ người.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch - đặc biệt là năng lượng mặt trời.

Cùng với Pháp, Ấn Độ là quốc gia đồng sáng lập Liên minh quốc tế về năng lượng Mặt trời nhằm khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Ấn Độ đang hướng tới việc xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới vào năm 2022. Ấn Độ đặt mục tiêu đạt sản lượng điện mặt trời 100.000 mega watt vào năm 2022, từ mức chỉ 20.000 mega watt (2016) và sử dụng năng lượng mặt trời để hiện đại hoá lưới điện quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện chạy than.

Với giá năng lượng mặt trời đang giảm mạnh so với than thì giải pháp đẩy mạnh khai thác nguồn năng lượng tái tạo của Ấn Độ rất sáng suốt. Nguồn năng lượng mặt trời thậm chí sẽ rẻ hơn 10% so với than đá vào năm 2020. Để khuyến khích sự phát triển của năng lượng mặt trời, Ấn Độ áp dụng các chính sách cắt giảm thuế đối với những công ty lắp đặt tấm pin mặt trời, đồng thời tổ chức đấu giá để trao quyền quản lý các nhà máy điện cho những công ty cam kết cung cấp điện cho người dân với mức giá rẻ nhất.

Tóm lại, BĐKH là vấn đề toàn cầu, vì vậy  ứng phó với BĐKH cần có sự hợp tác của tất cả các quốc gia. Chi phí thích ứng với BĐKH trong vòng 40 năm tới (2010-2050) của 6 quốc gia (Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Bhutan và Maldives), dự kiến dao động từ 14 tỷ USD/năm (tương đương 0,2% GDP) trong trường hợp tích cực nhất cho tới 198 tỷ USD/năm (khoảng 2,3% GDP) trong trường hợp tồi tệ nhất. Liên hợp quốc đề nghị các nước phát triển dành 500 tỉ USD/năm từ nay đến năm 2030 (khoảng 1% GDP)  để hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước nghèo chống BĐKH.    

PGS. TS. Phạm Thị Thanh Bình & Th.S Vũ Nhật Quang (Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement