Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người qua các thời kỳ
Kế thừa thành tựu bảo đảm quyền con người trong giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình.
Cách đây hơn 50 năm, các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền nhằm khẳng định những giá trị nhân văn, vốn có, bất di, bất dịch của mỗi cá nhân trong toàn thể cộng đồng nhân loại.
Ở Việt Nam, mọi giai đoạn cách mạng trong lịch sử, con người bao giờ cũng được đặt ở vị trí trung tâm. Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú ý bảo đảm thực hiện các quyền con người (QCN) trên tất cả các lĩnh vực một cách thực tế và đây là một thành tựu nổi bật, khẳng định ưu thế của chế độ xã hội mới.
Từ năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phải: “Sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền”. Trên cơ sở quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp cận vấn đề (QCN) từ quyền của những con người cụ thể gắn với quyền dân tộc và khẳng định chủ nghĩa xã hội (CNXH) là chế độ tốt nhất bảo đảm QCN cho nhân dân Việt Nam.
Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người qua các thời kỳ - 1
Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, các quyền con người được mở rộng, có thêm những tiềm lực mới để bảo đảm và thực hiện. (Ảnh: LAD)
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (năm 1930), Đảng đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Theo đó, nhiệm vụ của Đảng là tập hợp lực lượng toàn dân, tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Vấn đề QCN được thể hiện ở việc tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và đề ra các khẩu hiệu đấu tranh cụ thể như “Việt Nam tự do”, đấu tranh và xây dựng một xã hội tự do tổ chức; nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục,…
Nghị quyết của quốc dân Đại hội Tân Trào (16/8–17/8/1945) xác định: “Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền; Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ…”. Có thể thấy rằng, đây là nhiệm vụ xuyên suốt, là ngọn cờ tập hợp lực lượng và cũng chính là cơ sở làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (năm 1945) do Đảng lãnh đạo.
Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên đã kế thừa, phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc. Luận cương Cách mạng Việt Nam năm 1951 đã khẳng định rõ mục tiêu của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo là “… bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ quyền lợi của dân và bảo đảm việc công dân làm trọn nghĩa vụ với Tổ quốc. Quyền lợi đó là: được hưởng nhân quyền, tài quyền, dân quyền. Nghĩa vụ là bảo vệ đất nước, ủng hộ chính quyền nhân dân, đóng góp cho công quỹ, giữ gìn và phát triển tài sản chung của quốc gia”.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn gắn QCN với quyền dân tộc. Các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là nhằm giành quyền độc lập tự do cho dân tộc gắn với quyền của người dân Việt Nam. Nếu các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước tiên nhằm vào việc giành quyền dân tộc thì sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc từ năm 1955–1975 và trên cả nước từ sau năm 1975, trước tiên nhằm vào việc bảo vệ, bảo đảm quyền công dân và luôn gắn với quyền dân tộc.
Quyền công dân được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và trong các bản Hiến pháp. Nhà nước Việt Nam cũng đã tham gia vào hệ thống pháp luật quốc tế trong hoàn cảnh đất nước đang phải tiến hành kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chỉ hai năm sau khi đất nước hòa bình, thống nhất (năm 1977), Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên hiệp quốc (LHQ). Từ đó, Nhà nước Việt Nam đã tích cực tham gia vào hệ thống pháp luật quốc tế về QCN. Chẳng hạn, trong các năm 1981, 1982 và 1983, Nhà nước Việt Nam tham gia một loạt công ước của LHQ về QCN như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966); Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (năm 1979)…
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, trong giai đoạn lịch sử này, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở Việt Nam, nhận thức về QCN, bảo vệ, thúc đẩy QCN, quyền công dân cũng còn một số hạn chế. Do nhận thức máy móc, giáo điều về CNXH và con đường đi lên CNXH, nên nhiều quy định về quyền công dân trong Hiến pháp, pháp luật tuy rất tốt đẹp nhưng không phù hợp thực tế và hầu như nhiều quyền đã không thực hiện được.
Thực tiễn phát triển đất nước, nhất là từ khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ XX đã giúp Đảng nhận thức ngày càng rõ hơn về thời đại, về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, trong đó có công tác bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) khẳng định quan điểm xuyên suốt là: “Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định”; và “… bảo đảm quyền dân chủ thật sự của nhân dân lao động, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của nhân dân”.
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) cùng với việc đưa nội dung QCN vào tất cả các văn kiện Đại hội, đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục “thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013… hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”; đồng thời, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực QCN. Việt Nam là thành viên tích cực của Ủy ban QCN nhiệm kỳ 2001–2003 và Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016; là thành viên của 7/9 công ước cơ bản về QCN và ký kết nhiều công ước về an sinh xã hội cùng nhiều tuyên bố về QCN.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Ðảng, Nhà nước về bảo đảm và thúc đẩy QCN đã được cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc, tạo chuyển biến nhận thức một cách cơ bản, tích cực trong cả hệ thống chính trị.
Kết luận của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/7/2010, của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới nêu rõ, việc thể chế hóa đường lối của Ðảng, hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013; từ đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ, thực thi quyền con người và ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm QCN.
Trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong năm 2018 và kết quả bước đầu chống tham nhũng, đã thúc đẩy củng cố niềm tin của người dân, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 7,2%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 83%.
Các thành tựu phát triển đất nước đã tạo các điều kiện vật chất và nguồn lực để tôn trọng, bảo đảm, thúc đẩy tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của nhân dân. Ðời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt và ngày càng được nâng cao; cùng với việc thúc đẩy bình đẳng xã hội, việc thụ hưởng các quyền con người của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực được nâng lên đáng kể.
Những thành tựu đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền giảm nghèo bền vững và quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương. Qua hơn 30 năm đổi mới, công tác bảo đảm, thúc đẩy QCN đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn đang đặt ra nhiều việc cần làm, nhiều vấn đề cần tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thời gian tới nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn QCN, quyền công dân nhằm góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
0 Nhận xét