Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về an ninh phi truyền thống

 Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về an ninh phi truyền thống

Thái Bình

Việt Nam chủ động ứng phó với nguy cơ an ninh phi truyền thống

Tình hình thế giới, khu vực đã và đang có những biến động quan trọng, khó lường, nhất là khi kết thúc chiến tranh lạnh, sau sự kiện ngày 11/9/2001 ở Mỹ, đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia dân tộc trong đó có Việt Nam. Với xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa, cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, trong đó hòa bình hợp tác cùng phát triển là xu thế chủ đạo trên thế giới hiện nay, thời cơ và thách thức đan xen. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, trong đó có đường lối chính sách đối ngoại, Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng: Đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tiếp tục thực hiện CNH, HĐH đất nước, hòa bình, ổn định, an ninh trật tự xã hội, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, vị thế quốc gia được nâng lên. Song, đất nước đứng trước những thách thức không nhỏ, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trong tiến trình hội nhập quốc tế bền vững. An ninh quốc gia bao hàm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống được Đảng ta coi đây là nhiệm vụ chiến lược trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào. Tại Hội nghị 08, Bộ Chính trị khóa VIII, ra nghị quyết về chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới, đã đánh giá và chỉ ra những thách thức đối với an ninh quốc gia, trong đó có những yếu tố thuộc về an ninh phi truyền thống. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định nhận thức, quan điểm nhất quán về chiến lược an ninh quốc gia nói chung, trong đó bao hàm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, Đảng ta khẳng định: Tăng cường quốc phòng an ninh bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu và nhiệm vụ bao gồm: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau; giữ vừng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.[1]

Tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống và nhất là tình trạng biến đổi khí hậu. Như vậy, trong văn kiện Đảng ta đặt vấn đề những thách thức an ninh quốc gia bao hàm cả an ninh truyền thống và phi phi truyền thống, thể hiện quan điểm, nhận thức, trên cơ sở đó có những chiến lược, định hướng cơ bản bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới. Trên thực tế Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp thực thi, ứng phó với những lĩnh vực như: an ninh môi trường, biến đổi khí hậu đi kèm với đó là luật môi trường, chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu... Vấn đề an ninh lương thực đi kèm với đó là Chiến lược phát triển bền vững lương thực quốc gia,... Vấn đề chống tội phạm xuyên quốc gia (buôn bán ma túy, buôn người, tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên biển, rửa tiền,...). Trong rất nhiều nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống, xuất phát từ quy mô, tính chất của từng vấn đề Đảng, Nhà nước ta xác định những vấn đề nổi lên của Việt Nam.

Trong sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2004 có khẳng định: "Những vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến tranh chấp biên giới, lãnh thổ, trên biển, trên bộ cũng như những vấn đề an ninh phi truyền thống khác như: buôn bán vận chuyển ma túy, vũ khí, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái phép, suy thoái môi trường sinh thái... cũng là mối quan tâ, an ninh của Việt Nam".

Tại hội ngị Bộ trưởng hợp tác Á - Âu (ASEM) về ứng phó với an ninh phi truyền thống (tại Hungari tháng 6 năm 2011), đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đề xuất những vấn đề an ninh phi truyền thống gồm: dự báo biến đổi khí hậu, cảnh báo thiên tai, cứu hộ cứu nạn, biến đổi khí hậu với môi trường sinh thái, an ninh biển.

Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tại Lào tháng 11/2012, một nội dung quan trọng tại Hội nghị này là bàn luận hướng ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống. Đoàn cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu và có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh: Đổi mới, cách tiếp cận và sử lý những vấn đề toàn cầu hiện nay trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, toàn diện và đa ngành gắn với mục tiêu thiên niên kỷ. Nhấn mạnh những vấn đề an ninh phi truyền thống như: Dự báo biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, bảo vệ nguồn nước (nguồn nước xuyên lực địa); an ninh lương thực, cứu hội cứu nạn trên biển.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 tại Campuchia, tháng 11/2012 bàn đến nhiều nội dung quan trọng, trong đó có hợp tác khu vực ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thóng đảm bảo hòa bình, an ninh, phát triển bền vững. Đoàn Việt Nam, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu và có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh hợp tác khu vực trong ASEAN trong việc ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống như: ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước (an ninh an toàn hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia (ma túy, buôn người, an ninh mạng,...).

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: chúng ta cũng cần đẩy mạnh các nỗ lực nhằm ứng phó hiệu quả đối với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, bao gồm các thách thức môi trường, nguồn nước, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Trước những thiên tai, thảm họa xảy ra liên tiếp gần đây, tôi đề nghị các cơ quan chức năng của ASEAN cần phải rà soát và đưa ra các kiến nghị về việc tăng cường khả năng hợp tác, ứng phó kịp thời và hiệu quả của ASEAN trong lĩnh vực này.

Như vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng, tội phạm mạng, suy thoái môi trường…. Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, kịp thời nhận thức tính cấp bách của vấn đề này và đưa ra những giải pháp có chiến lược nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hôi trong tình hình mới.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016, tr. 33-34.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement