Làn sóng tấn công mạng đòi tiền chuộc đang có xu hướng tăng đột biến trên quy mô toàn cầu.
Nguy hiểm hơn, các cuộc tấn công này không chỉ nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng, khu vực chứa thông tin nhạy cảm mà còn là các mục tiêu dân sinh như các doanh nghiệp sản xuất, điều hành giao thông, bệnh viện, trường học, thẩm mỹ viện... Giới chuyên gia an ninh mạng cũng khuyến cáo, các cuộc tấn công mạng bằng mã độc tống tiền sẽ còn tồi tệ hơn trong thời gian tới.
Giới chức Mỹ khuyến cáo các doanh nghiệp tư nhân đề cao cảnh giác trước làn sóng tấn công mạng đòi tiền chuộc ngày càng gia tăng và có nguy cơ trầm trọng hơn trong tương lai. Cảnh báo của giới chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nước này đang hứng chịu số lượng các vụ tấn công mạng nhiều nhất thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki còn khẳng định, nước này coi tấn công mạng là nguy cơ an ninh quốc gia.
“Tôi chắc chắn rằng Tổng thống coi các cuộc tấn công mạng là nguy cơ an ninh quốc gia đang nổi lên. Đây cũng là lĩnh vực ưu tiên mà chúng tôi cần tập trung các nguồn lực, trí tuệ nhằm đánh giá xem có thể làm gì để giải quyết thách thức này” - Người phát ngôn Jen Psaki nói.
(Ảnh minh họa - KT) |
Trong tuần qua, hàng loạt các doanh nghiệp tại Mỹ từ vận tải cho đến truyền thông tiếp tục bị tấn công mạng đòi tiền chuộc. Ngày 2/6, Cơ quan quản lý tàu thủy Massachusetts cho biết, hoạt động vận hành bến phà tại bang này dọc khu vực miền đông nước Mỹ đã bị gián đoạn sau vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền. Cuối tuần trước, ít nhất 2 đài truyền hình tại bang Florida và Pennsylvania phải dừng phát sóng khi công ty mẹ bị tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính và điện thoại nội bộ.
Không chỉ tại Mỹ, các cuộc tấn công mạng tại Ấn Độ đã gia tăng tới 500% kể từ khi nước này thực hiện phong tỏa xã hội từ đầu tháng 3 vừa qua. Đa số các cuộc tấn công này không được báo cáo, nhằm vào các công ty nhỏ, lừa đảo hoặc ăn trộm tiền. Tại Australia, chuỗi cung ứng nông sản của nước này đang trở thành mục tiêu ưa thích của các nhóm tin tặc.
Nguy hiểm hơn, các cuộc tấn công mạng còn nhằm vào trung tâm thương mại hoặc bệnh viện khiến tính mạng bệnh nhân bị đe dọa. Tại New Zealand, bệnh viện quận Waikato hôm nay mới nối lại hoạt động trị xạ cho các bệnh nhân ung thư sau khi bị tấn công mạng khiến hệ thống máy tính tê liệt trong suốt 2 tuần. Trước đó, một số báo cáo cho biết, các hệ thống bệnh viện như tại Hàn Quốc, Pháp, Ireland… cũng trở thành mục tiêu của tin tặc.
Những cuộc tấn công kiểu này có khả năng gây ra tình trạng hỗn loạn trong cuộc sống, có thể dẫn đến khan hiếm sản phẩm, đẩy giá lên cao hơn... Sự gián đoạn càng lớn, các công ty bị tấn công càng nhanh chóng trả tiền cho tin tặc để sớm khắc phục vấn đề. Giới chuyên gia an ninh mạng cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước.
Chuyên gia Stuart Madnick cho rằng: “Trong bối cảnh đại dịch, các bệnh nhận điều trị ung thư có thể không được điều trị kịp thời tại các bệnh viện vì một trong số các công ty cung cấp phần mềm đang bị tấn công bằng mã độc tống tiền. Đây là vấn đề thực tế trong cuộc sống và cần phải được giải quyết kịp thời”./.
Theo Vũ Hợp/vov.vn
0 Nhận xét