Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Việt Nam hiện nay
TS. Đinh Thế Hưng- Ths. Lê Thị Hồng Xuân
Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Tóm tắt: Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tốc độ phát triển rất nhanh chóng về công nghệ, lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Nó dần đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng, cuộc cách mạng công nghệ 4,0 đã và đang mang lại nhiều lợi ích như: Tăng khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ hiện đại cho khách hàng thông qua tài chính số; giúp tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác; giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của công nghệ là việc kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về các hành vi phạm tội của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực này. Tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công vào lĩnh vực ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng về số lượng, diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trước những thách thức đó, việc phát hiện và phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao trở thành vấn đề cấp thiết đối với từng ngân hàng và cả hệ thống. Bài viết tập trung vào làm rõ hơn tình hình tội phạm cũng như thủ đoạn, hành vi phạm tội của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực này.
Key word: Tội phạm công nghệ cao, tài chính – ngân hàng (High – tech crime, finance and banking)
Currently industrial revolution speed 4.0 are developing very rapidly in technology, spread on a global scale. It is breaking down the structure of most of the industry in every country. In particular, in the fields of finance, banking, technological revolution has brought 4.0 multiple benefits including: Increased ability to provide modern products and services to customers through financial figures; provide access to information, data, connection and cooperation; reduce costs, increase labor productivity. However, with the development of technology is pulling as many potential risk regarding the offence of high technology crime in this area. Criminals using high-tech assault on the world's banking sector in General and Vietnam in particular tend to increase rapidly the number of complications, and cause more serious consequences. Before the challenge, the detection and prevention of crime use high technologies become urgent issues with respect to each Bank and the system. The article focuses on clarifying the situation of crimes as well as tricks, the offense of the high tech crime in this area.
1. Tội phạm công nghệ cao là gì?
Tội phạm công nghệ cao còn có tên gọi khác: tội phạm máy tính, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ảo, tội phạm không gian ảo, tin tặc. Trên thế giới, tội phạm công nghệ cao đã trải qua nhiều hình thái, từ đơn giản đến phức tạp, từ những cá thể đơn lẻ phát triển thành các tổ chức lớn và hoạt động ngày càng trở nên tinh vi. Sau khi cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, tội phạm công nghệ cao có nhiều biến thể đa dạng hơn.
Theo Bộ Luật Hình sự 2015, tội phạm công nghệ cao là “các hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”([1]).
Xét về bản chất thì tội phạm công nghệ thông tin cũng có đầy đủ các tính chất, đặc điểm như mọi tội phạm truyền thống khác, nghĩa là cũng được coi là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, gồm 4 cấu thành cơ bản của một tội phạm (mặt khách thể, mặt khách quan, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm). Điểm khác biệt giữa chúng với tội phạm khác là công nghệ thông tin, máy tính và mạng máy tính có vai trò, mức độ nhất định trong việc thực hiện, che giấu và gây ra những hậu quả tác hại đối với xã hội của hành vi phạm tội([2]). Chúng ta cũng có thể thấy một số dấu hiệu khác biệt khác so với các nhóm tội phạm thông thường như tính không biên giới của loại tội phạm này, tính chất ngày càng tăng về số lượng và hậu quả, tinh vi về cách thức tiến hành cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Nhìn một cách tổng thể, đối với loại tội phạm công nghệ thông tin, chúng ta thấy công nghệ thông tin, máy tính và mạng máy tính đóng một số vai trò quan trọng trong quá trình phạm tội, chúng vừa có thể là khách thể của tội phạm, vừa có thể là công cụ phạm tội lại vừa có thể đóng vai trò như là chủ thể của tội phạm.
Như vậy, tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, có thể gây tổn hại tới quyền và các lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, quốc gia.
2. Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng
Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng nhanh chóng, diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế - xã hội, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và đang lan ra các tỉnh, thành phố khác như: Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên... Ban đầu, đối tượng phạm tội chỉ có một số ít người nước ngoài hoặc Việt kiều nhưng đến nay, loại tội phạm này đã mở rộng đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh… Thậm chí, việc người Việt Nam sử dụng công nghệ cao để phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng đã gia tăng, đặc biệt, có cả sinh viên có hiểu biết sâu về công nghệ thông tin, một số ít là cán bộ, công chức. Chúng thường tập hợp, liên kết với nhau thông qua các diễn đàn trên mạng internet (còn gọi là underground hay thế giới ngầm) để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội. Vì vậy, thủ đoạn ngày càng tinh vi, kín đáo và có sự thay đổi phương thức liên tục nhằm lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Sự liên kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước ngày càng thể hiện rõ nét.
Công ty bảo mật mạng của Mỹ Symantec đã công bố báo cáo về mối đe dọa bảo mật Internet vào tháng 4 năm 2017, theo đó báo cáo đã chỉ ra các quốc gia có tỉ lệ tấn công lừa đảo qua phần mềm độc hại, spam và tội phạm sử dụng công nghệ cao lớn nhất. Theo điều tra của Symantec, Việt Nam chiếm 2,16% mối đe dọa toàn cầu trong năm 2016, đứng thứ 10 trong 10 quốc gia có tỷ lệ tội phạm công nghệ cao lớn nhất thế giới. Con số này tăng từ 0,89% trong năm 2015. Cũng theo Symantec, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về các hoạt động đe dọa tấn công mạng. Theo Hiệp hội An toàn thông tin số Việt Nam, mặc dù chỉ số An toàn thông tin của Việt Nam đã cải thiện qua các năm (năm 2012 là 26%; năm 2013 là 37,5%; năm 2015 đạt 46,5%) nhưng vẫn được dự báo là nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc ở mức cao[1].
Năm 2016, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố điều tra 217 vụ, 493 bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao, nhiều hơn 75% số vụ và 129,3% số bị can so với năm 2015. Năm 2017, đã phát hiện, khởi tố điều tra 197 vụ, 359 bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao, ít hơn 9,22% số vụ và 27,18% số bị can so với năm 2016. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã khởi tố điều tra 117 vụ, 196 bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao, giảm 13,97% vụ, tăng 4,26% bị can so với cùng kỳ năm 2017[2].
Đặc biệt, hiện nay tội phạm công nghệ cao liên tục tấn công hệ thống dữ liệu của các ngân hàng nhằm thực hiện những hành vi phạm tội gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngân hàng số sẽ không còn xa lạ, tuy nhiên đây cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ để tội phạm công nghệ cao lợi dụng các kẽ hở để thực hiện hành vi phạm tội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Tại Việt Nam, mới chỉ có 40 NHTM cung cấp dịch vụ internet banking, 16 tổ chức cung cấp hơn 2,3 triệu tài khoản ví điện tử, hơn 200 doanh nghiệp được cấp phép trong lĩnh vực thương mại điện tử. Kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 95% các ngân hàng triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến internet banking, mobile banking và 30% ngân hàng sẽ triển khai ngân hàng số, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ (POS) cho phép thanh toán không dùng tiền mặt; 50% hộ cá nhân và gia đình ở các thành phố lớn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, toàn thị trường có trên 300.000 POS được lắp đặt…([3]).
Tháng 1/2014, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đánh sập hai diễn đàn là Vietexpert.info và bkvfamily.info, quy tụ hàng nghìn hacker câu kết với nhau chuyên trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng, trộm tiền trong tài khoản ngân hàng. Cũng trong tháng 1/2014, công an Hà Nội đã điều tra bắt giữ 2 đối tượng người Trung Quốc liên kết với một công ty tại Việt Nam có lắp đặt máy POS, thực hiện các giao dịch khống bằng thẻ tín dụng giả của ngân hàng các nước chiếm đoạt số tiền gần 5,2 tỷ đồng; Tháng 11/2014, công an TP.HCM đã bắt đối tượng Ivan Slabob Rusev đem theo gần 40 thẻ ATM giả từ Bulgari sang Việt Nam để rút tiền trên địa bàn TP.HCM.
Tháng 1/2015, PC50 Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội, thực hiện khám xét khẩn cấp tại trụ sở chính của Công ty HGI ở tòa nhà Artex, số 172 Ngọc Khánh, Hà Nội, và Chi nhánh của HGI tại Đà Nẵng ở Tòa nhà Trung tâm Tài chính Dầu khí Đà Nẵng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Cơ quan điều tra xác định Công ty HGI được thành lập vào tháng 5/2009 và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2009 đến nay. Công ty này tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản trên website hgi.com.vn, sử dụng phần mềm MT4 được mua của đối tác nước ngoài, sử dụng cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ trên mạng. Theo dữ liệu Cơ quan điều tra thu giữ được, thời điểm bị triệt phá sàn HGI có hơn 3.000 nạn nhân góp vốn kinh doanh, trong đó có khoảng 300 nhà đầu tư có dấu hiệu bị lừa đảo với số tiền 270 tỷ đồng.
Tháng 8-2016, dư luận xôn xao trước vụ việc một khách hàng của ngân hàng Vietcombank thông báo tài khoản ATM của chị này "bỗng dưng" biến mất 500 triệu đồng. Đại diện của ngân hàng VCB cho rằng, có cơ sở để xác định khách đã truy cập vào một trang web giả mạo qua điện thoại cá nhân vào ngày 28-7-2016. Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của khách hàng đã bị đánh cắp. Sau đó, tài khoản khách hàng đã bị lợi dụng vào đêm ngày 3 rạng sáng 4-8-2016.
Việc đưa các tiện ích từ sự phát triển công nghệ đã giúp người dân sử dụng các dịch vụ tài chính được tiện lợi và nhanh chóng hơn, nhưng mặt khác nó cũng đem lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong việc mất an toàn đối với các thông tin cá nhân. Hầu hết các ngân hàng được khảo sát đều thừa nhận (46%) khách hàng của họ thường xuyên bị tấn công bởi lừa đảo,70% ngân hàng cũng báo cáo các sự cố về gian lận tài chính dẫn đến mất tiền([4]). Các trường hợp mất tiền trong tài khoản đã không ít lần xảy ra ở nhiều ngân hàng. Đa phần các vụ việc đều chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân hay nếu có, thường được kết luận do lộ thông tin cá nhân khách hàng. Điều mà khách hàng quan tâm chính hiện chính là có hay không lỗ hổng trong bảo mật, các thông tin này lộ ra từ đâu, từ thông tin nội bộ ngân hàng bị rò rỉ hay các biện pháp phòng chống tin tặc còn yếu kém.
3. Các thủ đoạn phạm tội của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam hiện nay
Theo báo cáo Global Rick 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thiệt hại do tội phạm mạng gây ra cho nền kinh tế toàn cầu là hơn 445 tỷ USD/năm. Trong khi đó, theo BKAV, thiệt hại do loại tội phạm này gây ra tại Việt Nam là 8.700 tỷ đồng, đặc biệt, chiếm tỷ trọng lớn trong đó là những thiệt hại xảy ra trong những lĩnh vực ngân hàng tài chính. Thủ đoạn phạm tội diễn ra ngày càng phức tạp dưới một số hình thức phổ biến sau:
Thứ nhất, truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của cá nhân để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn này được thực hiện bằng việc sử dụng một số phần mềm (tools) để phát hiện lỗi của các website bán hàng qua mạng, ngân hàng thanh toán qua mạng, xâm nhập vào cơ sở dữ liệu lấy quyền quản trị của admin để trộm cắp dữ liệu để lấy địa chỉ email, thông tin khách hàng, thông tin thẻ tín dụng, tài khoảng cá nhân, bằng hình thức phát tán virus, phần mềm gián điệp, mã độc hại với nhiều biến thể qua thư điện tử, đường link website, diễn đàn, mạng xã hội hoặc các phần mềm miễn phí, phần mềm được sử dụng phổ biến để thu thập, trộm cắp, thay đổi, phá hủy trái phép cơ sở dữ liệu; Chiếm quyền điều khiển máy chủ, sau đó thay đổi giao diện của trang web bị tấn công, tạo website giả….
Theo BKAV, năm 2015, Việt Nam có 5.226 website bị hacker xâm nhập và 30% website các ngân hàng Việt Nam có lỗ hổng. Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, năm 2015 đã phát hiện 5.898 sự cố lừa đảo, 8.850 sự cố thay đổi giao diện, 16.837 sự cố mã độc, ngăn chặn 200 website giả mạo[3].
Theo báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong năm 2015, đơn vị này đã ghi nhận được 5.898 sự cố lừa đảo (Phishing), 8.850 sự cố thay đổi giao diện (Deface), 16.837 sự cố mã độc (Malware) tăng 1,7 lần so với năm ngoái, đã cảnh báo và khắc phục được 3.885 sự cố (trong đó có 87 sự cố liên quan đến các tên miền "gov.vn"). Nhìn chung mã độc đa số là các liên kết ẩn được nhúng vào website thực hiện các thao tác không mong muốn. Ví dụ như like fanpage Facebook, ẩn link. VNCERT cũng ghi nhận 1.451.997 lượt địa chỉ IP cả nước bị nhiễm mã độc và nằm trong các mạng Botnet (tăng 1,6 lần so với năm ngoái)[4].
Thứ hai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn rác và mạng xã hội Facebook, Zalo. Lợi dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, mạng internet, mạng viễn thông đưa ra thông tin trúng thưởng để lừa đảo. Cụ thể: Gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng đến các số điện thoại, gửi các đường link thông báo trúng thưởng đến các tài khoản trong trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Skype, Viber...), các website game. Một số khách hàng của HSBC, Vietcombank, BIDV, ACB... cũng nhận được các cuộc gọi đến xưng danh là cán bộ của ngân hàng thông báo việc khách đã trúng thưởng, đề nghị khách hàng chuyển tiền để làm thủ tục nhận thưởng; hoặc thông báo thẻ tín dụng có vài vấn đề và yêu cầu cung cấp những thông tin liên quan để điều chỉnh; xưng danh là cán bộ điều tra yêu cầu nộp tiền vào một tài khoản khác để bảo lãnh, phục vụ việc điều tra...
Thứ ba, phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực thanh toán điện tử và thẻ ngân hàng. Ở dạng tội phạm này, trước hết các đối tượng phạm tội thường dùng mọi cách để có thông tin thẻ ngân hàng. Tội phạm thường sử dụng thiết bị hiện đại gắn vào ATM/POS; cài phần mềm gián điệp, mã độc tấn công ATM và hệ thống thẻ; bẻ khoá hệ thống bảo mật, đánh cắp thông tin của chủ thẻ rồi chế tạo thẻ ngân hàng giả để sử dụng bất hợp pháp dưới thủ đoạn mua bán thẻ ngân hàng giả; rút tiền tại các ATM/POS; thanh toán trực tuyến... Thường số lượng thẻ giả mà đối tượng sử dụng rất lớn và thực hiện rút nhiều lần, mỗi lần rút số tiền nhỏ để tránh bị phát hiện. Điển hình như vụ Stoyanov Yuliyan Georgivev (quốc tịch Bulgaria) sử dụng 144 thẻ ATM giả, thực hiện 388 lần giao dịch rút tiền qua máy ATM; vụ Kuznetcov Stanislav Dmitrievich (quốc tịch Nga) sử dụng 32 thẻ, rút 165 lần…
Internet mang lại nhiều tiện lợi cho cuộc sống và cung cấp thông tin đa dạng cho người dân nhưng người dùng Internet cũng dễ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo.Trong đó, tội phạm công nghệ cao trong ngành Ngân hàng đang ngày càng tinh vi, phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nặng nề khi mà hàng lang pháp lý ở nước ta còn nhiều hạn chế và bất cập; các doanh nghiệp còn chủ quan với nhiều lỗ hổng bảo mật khi mà trang thiết bị phòng chống tội phạm công nghệ cao hạn chế, cùng với đó là sự thiếu cảnh hiểu biết cũng như bản tính chủ quan của người dân,… đã và đang là những nguyên nhân để loại tội phạm này ngày càng phát triển.
4. Một số giải pháp nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Hiện nay, các hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, đe dọa tới độ an toàn thông tin có thể đến từ nhiều nơi theo nhiều cách. Vì vậy, việc đưa ra các chính sách và phương pháp đề phòng là rất cần thiết.
Trước tình hình trên, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ nhằm phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các cơ quan chức năng cần phải liên tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính… Pháp luật hình sự cần kịp thời tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm mới phát sinh trong xã hội, có tính nguy hiểm cao, uy hiếp an ninh của con người và của xã hội.
Thứ hai, Việt Nam cần phải tiếp tục kiện toàn tổ chức, lực lượng chức năng nhằm phát hiện, đấu tranh phòng chống các tội phạm sử dụng công nghệ cao, thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung và nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cùng kiến thức tin học, ngoại ngữ cho các cán bộ, nhất là các cán bộ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thứ ba, triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu khách hàng và đảm bảo hoạt động liên tục của hệ thống thông tin trong ngân hàng, cụ thể: Nâng cấp công nghệ và các giải pháp an ninh bảo mật cơ bản mà các ngân hàng đang triển khai như tường lửa, hệ thống phát hiện xâm nhập (IPS/IDS), hệ thống phòng chống virus, xác thực đa thành tố đối với giao dịch điện tử, mã hóa dữ liệu đối với các hệ thống quan trọng... để ngăn chặn và cảnh báo, và bảo vệ cho các server, website, cơ sở dữ liệu của ngân hàng.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền khách hàng nâng cao ý thức và trách nhiệm phòng chống tội phạm công nghệ cao; Cảnh báo khách hàng cần cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu hoặc số OTP khi thực hiện các giao dịch thanh toán hoặc thực hiện bất kỳ yêu cầu thay đổi thông tin trên mạng xã hội, forum, website, email, điện thoại... Đặc biệt, cần khuyến cáo khách hàng sử dụng các phần mềm có bản quyền; sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao và thường xuyên thay đổi mật khẩu; cài đặt và sử dụng các phần mềm bảo vệ (diệt vi rút) hoặc thiết lập tường lửa (firewall)...
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung trao đổi thông tin tội phạm, tranh thủ tài trợ các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại và đào tạo cán bộ trình độ cao; Tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết các yêu cầu phát hiện, xác minh, điều tra tội phạm một cách kịp thời, triệt để…
Tội phạm sử dụng công nghệ cao gắn liền với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và viễn thông. Cùng với xu thế mới của thời đại, tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, cần tổ chức thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp cơ bản trên đây nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Danh mục tài liệu tham khảo
[1] http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/giai-phap-phong-chong-toi-pham-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-ngan-hang-o-viet-nam-120076.html. Truy cập ngày 24/10/2018.
[2] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2018-08-13/toi-pham-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-tien-te-gia-tang-60921.aspx. Truy cập ngày 23/10/2018.
[3] http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/giai-phap-phong-chong-toi-pham-cong-nghe-cao-trong-linh-vuc-ngan-hang-o-viet-nam-120076.html. Truy cập ngày 23/10/2018.
[4] http://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/Toi-pham-cong-nghe-cao-2016-Lam-nguy-co-nhieu-thach-thuc-423161/. Truy cập ngày 24/10/2018.
[1]. Quốc hội (2017), Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
[2]. Đặc điểm và các hành vi cơ bản của tội phạm tin học - Nguyễn Mạnh Toàn. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 3/2002.
[3]. Hà Loan (2017), “Ngại chia sẻ thông tin, ngân hàng khó an toàn bảo mật”, 17/8/2017, http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xahoi/ngai-chia-se-thong-tin-ngan-hang-kho-an-toan-bao-mat/738308.antd.
[4]. N.A (2017), “Kaspersky: Chỉ 19% ngân hàng quan tâm đến các cuộc tấn công vào máy ATM”, 16/3/2017, https://www. bantincongnghe.xyz/t-106832/kaspersky-chi-19-ngan-hang-quan-tam-den-cac-cuoc-tan-cong-vao-may-atm.html.
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân số 7 năm 2019
0 Nhận xét