1-Nhận diện các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa An ninh phi truyền thống
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt là thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới có nhiều biến động phức tạp vượt qua khuôn khổ dự báo của giới nghiên cứu về một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Trong thế giới đương đại, bên cạnh các mối đe dọa về quân sự, vẫn tồn tại và xuất hiện nhiều yếu tố mới đe dọa đến an ninh con người và an ninh quốc gia như: khủng bố, dịch bệnh lây lan nhanh ở người và động vật, biến đổi khí hậu, mua bán ma túy, mua bán phụ nữ và trẻ em, di cư xuyên biên giới, tội phạm mạng... Trong bối cảnh đó, những nhận thức về an ninh cũng thay đổi nhanh chóng. Bên cạnh những quan niệm đã và đang được sử dụng xung quanh chủ đề này như: an ninh tập thể, an ninh chung, an ninh toàn diện..., xuất hiện thuật ngữ an ninh phi truyền thống (non-traditional security).
Trên thế giới hiện nay có khá nhiều cách hiểu, quan niệm về an ninh phi truyền thống. Ở cấp độ hợp tác, tổ chức khu vực, an ninh phi truyền thống cũng được đưa ra thảo luận và có quan niệm cụ thể, rõ ràng, tiêu biểu như trong Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Campuchia) ngày 01-11-2002. An ninh phi truyền thống được hiểu là những vấn đề về các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm khủng bố và ma túy đe dọa an ninh khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trong và ngoài khu vực.
Cũng trong tuyên bố trên, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc bày tỏ “sự quan ngại về những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng như buôn lậu, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao”. Đồng thời, Hội nghị xác định nội dung hợp tác về các vấn đề “an ninh phi truyền thống” bao gồm các cơ chế và khả năng hợp tác cụ thể về: phòng chống tội phạm ma túy; phòng chống tội phạm buôn bán người; chống cướp biển; chống tội phạm khủng bố; chống buôn lậu vũ khí; chống tội phạm rửa tiền; chống tội phạm kinh tế quốc tế; chống tội phạm công nghệ cao,v.v...
Ở nước ta, thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn thì vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên như là những hiện tượng bức bách của đời sống xã hội. Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọaan ninh phi truyền thống ở Việt Nam đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống con người, đồng thời cũng là sự thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Một khi an ninh đất nước nói chung, an ninh phi truyền thống nói riêng không được bảo đảm thì sẽ không có sự bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quốc gia và chất lượng cuộc sống của con người.
Biểu hiện của an ninh phi truyền thống là: tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố; mất an ninh kinh tế, tham nhũng; mất an ninh tài chính; mất an ninh doanh nghiệp; các rủi ro thị trường và mất an ninh thương mại; cạn kiệt tài nguyên, thiên tai thường xuyên, thiên nhiên suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường không khí, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô zôn, biến đổi các chu trình sinh - địa, suy giảm đa dạng sinh học; dịch bệnh; mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng; bão lụt, nước biển dâng, triều cường; sạt núi, phá núi, phá rừng;mất an ninh giao thông; mất an ninh đô thị và an ninh nông thôn; mất an ninh thông tin và các hành vi tấn công mạng, tội phạm mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng; mất an ninh lương thực; mất an ninh năng lượng; mất an ninh hàng không; mất an ninh du lịch; mất an ninh biển;…
Nếu không đảm bảo được an ninh phi truyền thống thì những thảm họa, khủng khoảng sẽ xuất hiện sẽ gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, trở thành ngòi nổ cho những bất ổn xã hội, gây ra các vụ bãi công, biểu tình, gây rối trật tự công cộng, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đây chính là những nguy cơ, thách thức và mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong những năm gần đây ở Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ việc lớn gây mất an ninh quốc gia do các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống gây ra như:
+ Sự việc “giá lương tiền” ở Việt Nam năm 1985 trước thời kỳ đổi mới.
+ Sự việc “khủng khoảng “trong hệ thống ngân hàng Việt Nam những năm 1997-1998.
+ Sự việc “ khủng khoảng” ở Thái Bình giai đoạn 1996-1997 bắt nguồn từ các vi phạm pháp luật về kinh tế và tham nhũng liên quan đến “điện, đường, trường, trạm” ở cơ sở.
+Vụ Fomosa: ô nhiễm môi trường biển do Công ty Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016. Các tỉnh Miền Trung Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự cố Fomosa này: cá chết hàng loạt và hủy hoại 450 ha san hô, ảnh hưởng tới đời sống của hơn 200.000 dân, trong đó có 41.000 ngư dân; du lịch biển ở các tỉnh Miền Trung bị đình trệ. Tại các tỉnh Miền Trung trong hơn 2 năm 2016-2017 đã xảy ra hàng trăm vụ biểu tình, gây rối trật tự công công cộng do bọn phản động lợi dụng vấn đề an ninh môi trường - sự cố Fomosa để kích động quần chúng biểu tình, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
+ Vụ cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, Hà Nội ngày 28/08/2019: cháy 6000 m2 kho xưởng, làm rò rỉ thủy ngân độc hại ra môi trường. Người dân Thủ đô khu vực này lo sợ, hoang mang và bỏ đi sinh sống, cư trú ở nơi khác. Phải sau gần 01 năm mới khắc phục được hậu quả ô nhiễm môi trường.
+ Các vụ việc liên quan đến việc nhân dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội thường xuyên ngăn cản xe chở rác vào Bãi rác Nam Sơn, Hà Nội, gây ùn tắc rác thải sinh hoạt trên toàn bộ thành phố Hà Nội. Cho đến nay vẫn chưa được giải quyết căn bản.
+ Đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu, khu vực và Việt Nam đã làm đình đốn sản xuất và đe dọa nghiêm trọng tới con người.
+ Các vụ sạt núi, lở đất gây chết nhiều người và làm thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước xảy ra ở các tỉnh Miền Trung năm 2020.
Nhận thức được tầm quan trọng của an ninh nói chung, an ninh phi truyền thống nói riêng, Đảng và Nhà nước đã luôn coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định “chủ động ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “chủ động phòng ngừa, ứng phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống và phi truyền thống”.
Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã đặt an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh truyền thống, chỉ ra một số vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố. Đồng thời đã lưu ý đến “các hình thái chiến tranh kiểu mới” với hàm ý khả năng chuyển hóa giữa an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống.
Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII cũng đề ra nhiều nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống, phục vụ phát triển bền vững đất nước.
An ninh phi truyền thống có các đặc điểm chủ yếu sau:
- Các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn ra ảnh hưởng trên phạm vi khu vực hoặc toàn cầu, mang tính xuyên quốc gia. Nó có thể phát sinh từ một quốc gia này nhưng có khả năng lan tỏa với tốc độ nhanh, phạm vi rộng đến quốc gia khác (biến đổi khí hậu, tội phạm mạng, dịch bệnh lây lan nhanh,...).
- Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường do các tác nhân tự nhiên hoặc do các tổ chức ngoài nhà nước, nhóm người hoặc cá nhân tiến hành; còn an ninh truyền thống là xung đột giữa quân đội các nhà nước.
- Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống uy hiếp trực tiếp đến cá nhân con người hoặc cộng đồng, rồi quốc gia - dân tộc; còn an ninh truyền thống uy hiếp trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia - dân tộc, uy hiếp an ninh quốc gia.
- Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có cả những vấn đề mang tính phi bạo lực (kinh tế, văn hóa, môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh...) và những vấn đề mang tính bạo lực, nhưng đó là bạo lực phi quân đội (khủng bố, tội phạm có tổ chức...)
- Giải quyết an ninh phi truyền thống nhấn mạnh đến hợp tác ứng phó, sử dụng biện pháp ngoại giao, kể cả ngoại giao giữa quân đội, công an các nước. Còn an ninh truyền thống thường lấy biện pháp vũ trang - quân sự là chính, còn ngoại giao là hỗ trợ.
- Về mặt thời gian, mặc dầu an ninh phi truyền thống xuất hiện từ rất sớm nhưng về mặt khoa học vấn đềan ninh phi truyền thống được quan tâm, chú trọng “muộn hơn” an ninh truyền thống. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử (dịch bệnh, khan hiếm lương thực, khủng bố, ô nhiễm môi trường, thảm họa cháy nổ,...) nhưng do diễn ra ở phạm vi nhỏ hẹp, quy mô chưa lớn, truyền thông chưa phát triển hoặc vấn đề quyền con người chưa được quan tâm, nên ít hoặc không được quan tâm. Còn ngày nay, do tác động của toàn cầu hóa, mặt trái của sử dụng thành tựu cách mạng khoa học - công nghệ, sự mở rộng các phương tiện truyền thông đa phương tiện,... các vấn đề an ninh phi truyền thống có điều kiện lan tỏa nhanh, rộng, ảnh hưởng lớn, trở thành mối quan tâm toàn nhân loại và các khu vực, các quốc gia.
- Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống hủy hoại an ninh quốc gia dần dần và lâu dài, vì nó tác động đến các yếu tố mang tính hạt nhân hoặc bệ đỡ cho ổn định và phát triển (cá nhân con người, cộng đồng xã hội, hệ thống thể chế, hạ tầng kỹ thuật chiến lược và môi trường sống).
An ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống là hai mặt của khái niệm an ninh toàn diện. Vì vậy, an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống cùng tác động đến xây dựng chiến lược an ninh quốc gia,... bảo đảm ổn định và phát triển của quốc gia.An ninh quốc gia theo tư duy mới là tổng hòa của an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
An ninh truyền thống có cốt lõi là an ninh chính trị, an ninh quân sự, lấy Nhà nước làm trung tâm của an ninh. Còn an ninh phi truyền thống có cốt lõi là an ninh xã hội, an ninh con người, lấy xã hội, doanh nghiệp, con người làm trung tâm của an ninh.
An ninh phi truyền thống là việc bảo đảm an toàn, không có hiểm nguy cho cá nhân con người, quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại trước các mối đe dọa có nguồn gốc phi quân sự như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn lực, dịch bệnh lây lan nhanh, khủng hoảng tài chính, an ninh mạng, tội phạm nguy hiểm xuyên biên giới, chủ nghĩa khủng bố… Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường lan tỏa nhanh, ảnh hưởng rộng mang tính khu vực hoặc toàn cầu, do tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa, của sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ.
An ninh phi truyền thống bao gồm 2 nhóm:
-Nhóm an ninh phi truyền thống có yếu tố bạo lực cao: gồm tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, các mối đe dọa dẫn tới tình trạng khẩn cấp.
- Nhóm an ninh phi truyền thống có yếu tố bạo lực thấp: gồm an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh y tế, an ninh du lịch, an ninh giao thôngv.v…
Mục tiêu của an ninh truyền thống là ổn định và phát triển bền vững của Nhà nước, chế độ, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Còn mục tiêu của an ninh phi truyền thống là ổn định và phát triển bền vững xã hội (cộng đồng), doanh nghiệp, con người,
Nếu như chủ thể đảm bảo an ninh truyền thống chủ yếu là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì chủ thể bảo đảm an ninh phi truyền thống là các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Về công cụ đảm bảo an ninh: công cụ đảm bảo an ninh phi truyền thống chủ yếu dựa vào sức mạnh Quân đội, Công an, lực lượng bán vũ trang và nhân dân. Còn công cụ đảm bảo an ninh phi truyền thống chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước, doanh nghiệp. con người, quốc tế.
2- Quản trị an ninh phi truyền thống.
Quản trị an ninh phi truyền thống là hoạt động tổ chức và điều hành của Nhà nước (doanh nghiệp) nhằm phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống, bảo đảm an toàn, phát triển ổn định, bền vững của quốc gia, xã hội (doanh nghiệp), con người.
Trong hoạt động quản trị phòng ngừa, ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống có hai khái niệm: mối đe dọa ở hai mức độ hiểm họa và thảm họa.
+ Mối đe dọa (Threat) là tạo nên một tai họa nào đó. Mối đe dọa có thể do con người, tổ chức, quốc gia hoặc do quá trình tự nhiên gây ra.
+ Hiểm họa (Threat) là bất kỳ sự kiện, hiện tượng không bình thường nào có khả năng gây tổn thương cho đời sống con người, gây thiệt hại về tài sản và môi trường.Ví dụ: bão, lũ, lụt, động đất, cháy, nổ, ô nhiễm môi trường,...Hiểm họa có thể xảy ra đột ngột như lũ quét, sóng thần, sạt lở đất. Hiểm hoạ cũng có thể xảy ra từ từ như hạn hán, sa mạc hóa,v.v...
+ Thảm họa (Disaster):hiểm họa (hay mối đe dọa) sẽ trở thành thảm họa khi chúng xảy ra ở những nơi có nhiều người sinh sống, hoạt động, gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản và cuộc sống của con người, xâm phạm an ninh quốc gia đất nước, ảnh hưởng xấu tới khu vực và thế giới.Ví dụ: trong bão, lũ lụt, nhiều người bị chết đuối hoặc bị thương, đổ nhà cửa, tài sản và gia súc bị cuốn trôi hoặc xảy ra ô nhiễm môi trường tương tự vụ Formosa trước đây, dịch COVID – 19 hiện nay.
+ Quản lý mối đe dọa (Threat Management): Là quá trình phòng ngừa, phát hiện, xử lý và triệt tiêu các mối đe dọa xâm hại đến cơ quan, tổ chức, địa phương, quốc gia, khu vực.
Trong Khoa học Quản trị An ninh phi truyền thống có công thức:
Quản trị an ninh phi truyền thống của 1 chủ thể = (1. an toàn + 2. ổn định + 3. phát triển bền vững) – (1. chi phí & hoạt động quản trị rủi ro + 2. chí phí & hoạt động quản trị khủng hoảng + 3. chi phí & hoạt động quản trị khắc phục hậu quả sau khủng hoảng).
(Subject’s NT Security = (1. Safety + 2. Stability + 3. Sustainable Development) – (1. Cost & Risk Management + 2. Cost & Crisis Management + 3. Cost & Management of Crisis Recovery)
S’S = (S1 + S2 + S3) – (C1 + C2 + C3)
S = 3S – 3C)
Quản trị phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa (hiểm họa),thảm họa an ninh phi truyền thống bao gồm một loạt các hoạt động can thiệp có thể được tiến hành trước, trong, sau một thảm hoạ an ninh phi truyền thống nhằm giảm đến mức tối thiểu những mất mát về người và tài sản, đồng thời thúc đẩy nhanh chóng quá trình khắc phục.
Thế giới tổ chức quản trị 01 thảm họa an ninh phi truyền thống qua 5 bước: Prevention (Phòng ngừa), Mitigation (Giảm nhẹ), Preparedness (Sẵn sàng: chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất), Response(Đối phó), Recovery (Phục hồi).
Qua thực tiễn Việt Nam, có thể áp dụng mô hình Chu trình quản trị thảm hoạ an ninh phi truyền thống sau:
Chu trình quản trị thảm hoạ an ninh phi truyền thống đưa ra một loạt các hành động nối tiếp nhau để chủ động quản trị các vấn đề do thảm hoạ an ninh phi truyền thống gây ra.
Các giai đoạn trong chu kỳ quản trị thảm hoạ an ninh phi truyền thống.
Phòng ngừa
Gồm các biện pháp cần tiến hành khi có dự báo thảm họa an ninh phi truyền thống sẽ xảy ra để kịp thời ứng phó một cách phù hợp và hiệu quả.
Các hoạt động phòng ngừa có thể làm giảm đến mức thấp nhất tác động của thảm họa an ninh phi truyền thống như xây dựng năng lực của các cơ quan chuyên môn như Quân đội, Công an, Y tế, các ngành, các tổ chức trong cộngđồng nhằm thựchiện tốt các hoạt động cảnh báo, chữa cháy, tìm kiếm và cứu nạn, cứu hộ, sơ tán và cứu trợ, xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng ngừa thảm họa an ninh phi truyền thống, dự trữ thiết bị, hàng hóa để huy động kịp thời, chuẩn bị hệ thống thông tin liên lạc trong tình huống khẩn cấp, tuyên truyền nâng cao trình độ cán bộ các cơ quan chuyên môn và nhận thức cộng đồng...
Giảm nhẹ
Gồm tất cả các biện pháp có thể thực hiện nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động của hiểm họa an ninh phi truyền thống nhờ đó giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của thảm họa.
Các biện pháp giảm nhẹ có thể là các biện pháp vật chất/ công trình (xây dựngđê điều, nhà ở an toàn…); hoặc các biện pháp mang tính pháp lý (nghiêm cấm người dân xây dựng nhà ở, sản xuất, kinh doanh tại khu vực dự báo sẽ xảy ra thảm họa…); hay các biện pháp phi công trình (tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động về các vấn đề phát triển...).
- Cứu trợ
Bao gồm các hoạt động thực hiện trong và sau khi thảm hoạ an ninh phi truyền thống xảy ra nhằm trợ giúp những người bị ảnh hưởng như: tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khoẻ, sửa chữa phương tiện cần thiết, hỗ trợ về tâm lý....
- Phục hồi
Các hoạt động nhằm khôi phục những dịch vụ cơ bản giúp những người bị ảnh hưởng do thảm họa an ninh phi truyền thống phục hồi nhanh chóng, gồm: hỗ trợ sửa chữa nhà ở, thiết lập các dịch vụ thiết yếu, phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội chủ chốt…
Tái thiết và phát triển
Là các biện pháp tiến hành nhằm sửa chữa hoặc thay thế cơ sở hạ tầng đã bị thiệt hại để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội. Các hoạt động này gồm tái thiết cơ sở hạ tầng và khôi phục tất cả các dịch vụ.
Về phương châm quản trị, phòng ngừa, ứng phó các thảm họa an ninh phi truyền thống:“3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”.
-Tư tưởng chỉ đạo:phòng chống thảm họa an ninh phi truyền thống như chống giặc dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.
- Phương châm “3 sẵn sàng”:phòng chống thảm họa an ninh phi truyền thống như chống giặc; chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời và khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
- Phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
3- Các giải pháp và kiến nghị.
Để phòng ngừa, đối phó, giải quyết với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện:
Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: "Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh”. Theo đó, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh trên địa bàn cả nước và từng địa phương... là những vấn đề cơ bản tạo nền tảng vững chắc cho việc đối phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống.
Trong chỉ đạo giải quyết các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống cần đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa, khi có tình huống xảy ra thì tích cực, chủ động ứng cứu nhanh, có hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Thứ hai, nâng cao ý thức cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ Tổ quốc nói chung, phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống nói riêng theo yêu cầu của thời kỳ mới. Tổ chức nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống; tăng cường tuyên truyền, trao đổi thông tin về các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống. Xây dựng các kế hoạch, phương án quản trị, phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống từ cơ sở với sự tham gia của toàn thể hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đóng vai trò nòng cốt.
Với phương châm 4 tại chỗ, đề nghị Chính phủưu tiên củng cố, tăng cường nhân lực và phương tiện hỗ trợ cho các cơ quan Công an cấp huyện, cấp xã và các lực lượng khác như Bộ chỉ huy quân sự huyện, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm ngư, Kiểm lâm ở địa phương, v.v.để giải quyết ban đầu các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống xảy ra ở địa phương.
+ Chỉ huy tại chỗ: Bí thư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ huy điều phối các lực lượng Công an, Quân đội, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Kiểm lâm, Phòng chống lụt bão), Giao thông vận tải,v.v. địa phương (và cả các lực lượng trung ương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn) tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người và tài sản tại nơi xảy ra nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống.
+ Lực lượng tại chỗ: Có cán bộ Công an, Quân đội, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Kiểm lâm, Phòng chống lụt bão), Giao thông vận tải, v.v. địa phương (và các lực lượng trung ương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn) luôn sẵn sàng để cứu nạn, cứu hộ người và tài sản, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
+ Phương tiện tại chỗ: Có đủ các phương tiện giao thông (tàu, thuyền chữa cháy, xuồng, ca nô, ô tô chữa cháy, xe máy), phương tiện thông tin liên lạc, công cụ hỗ trợ, công cụ cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, y tế, thuốc,v.v.phục vụ yêu cầu phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống ở địa phương.
+ Hậu cần tại chỗ: Dự trữ đủ xăng dầu cho xe cấp cứu, xe chữa cháy, tàu, thuyền, thuyền chữa cháy, xuồng máy, ca nô, ô tô, xe máy, máy phát điện hoạt động khi không có điện; dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện y tế phục vụ phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống.
Trong trường hợp các địa phương vượt khả năng, cần có sự hỗ trợ, cần báo cáo đề xuất lãnh đạo tỉnh, thành phố xin ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời. Trường hợp xảy ra thảm họa an ninh phi truyền thống đặc biệt nghiêm trọng cần báo cáo lãnh đạo tỉnh, thành phố xin ý kiến trung ương hỗ trợ.
Việc điều động lực lượng đến hỗ trợ các địa phương theo nguyên tắc gần trước, xa sau, địa phương lân cận trước.
Thứ ba, tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống xảy ra trên đất liền.
Lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân chủ động tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đề ra các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống xảy ra trên đất liền.
Thứ tư, tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống xảy ra trên biển.
Lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân phối hợp với các ngành tham gia giải quyết các vấn đề: ô nhiễm môi trường biển do khai thác dầu khí; ô nhiễm môi trường biển do vận tải biển; ô nhiễm môi trường biển do các sự cố trên biển; ô nhiễm môi trường biển do rác thải các khu công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư; phòng chống các cơn bão - lụt, lũ cuốn, lũ quét, gió xoáy lớn; giải quyết các vấn đề nước biển dâng cao và xâm nhập mặn; xâm thực bờ biển; triều cường, v.v..
Thứ năm, xây dựng và đầu tư lực lượng chuyên trách phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý Nhà nước về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Trước mắt tập trung đầu tư xây dựng, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộthuộc Bộ Công an làm nòng cốt đảm nhiệm các công tác: phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó, giải quyết các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống.
Về lâu dài cần xây dựng lực lượng chuyên trách phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống theo hướng thành lập Bộ tình trạng khẩn cấp như các nước hoặc trên cơ sở lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộcủa Bộ Công an hiện nay, thành lập lực lượng Vệ binh quốc giađảm nhiệm cả các chức năng phòng vệ dân sự (civil defense), tình trạng khẩn cấp, vệ binh quốc gia như nhiều nước trên thế giới để đủ sức giải quyết, ứng phó các mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống.
Nguồn Hội đồng LLTW
Tài liệu tham khảo
1 - Các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID – 19, Hà Nội 2020.
2 - Jessada Burinsuchat, Police Cooperation on Non-traditional security matters: Thailand, the Royal Thai Police and foreign counterparts, Coral Bell School of Asia Pacific Affairs, Australian National University, College of Asia and Pacific.
3 - Joint Declaration of ASEAN and China on Cooperation in the Field of Non-traditional Security Issues6th ASEAN-China Summit Phnom Penh, 4 November 2002.
4 - Nguyễn Văn Hưởng (2014): An ninh phi truyền thống: Nguy cơ, thách thức, chủ trương và giải pháp đối phó ở Việt Nam. Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB ĐHQG Hà Nội
5 - Nguyễn Văn Hưởng, Hoàng Đình Phi (2020), Cần quản trị tốt an ninh phi truyền thống để ổn định và phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông ( ORDI), 26/02/2020.
6 - Tô Lâm, Nguyễn Xuân Yêm và các tác giả (2017), An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, NXB CAND 2017
7 - Nguyễn Việt Linh (2018), Quản lý nhà nước về an ninh phi truyền thống theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân, Luận án tiến sỹ An ninh và Trật tự xã hội, Học viện CSND.
8 - Nguyen Viet Linh (2017), Identifying Non-traditional Security in the Era of International Intergration, The People’s Police, Review of the People’s Police Academy, 4(10) 2017.
9 - Mely Caballero Anthony, Alistair D.B.Cook (2016): An Introduction to Non-traditional Security in Asia: Issues, Challenges and Framework for Action, Singapore.
10 - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
11- Nguyễn Văn Thành (2018), Xây dựng và phát triển thành phố thông minh đảm bảo các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
12-Yizhou Wang (2003), Defining Non –Traditional Security and Its Implications for China, Institute of World Economic and Politics, Chinese Academy of Social Sciences.
0 Nhận xét