75 năm toàn quốc kháng chiến-bài học ứng phó an ninh phi truyền thống (qdnd.vn)
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, ngày 19-12-1946, thay mặt Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn dân tộc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trưng bày hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật về Ngày toàn quốc kháng chiến
75 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện toàn quốc kháng chiến vẫn để lại nhiều bài học quý, còn nguyên giá trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là bài học trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống hiện nay.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhưng ngay sau đó, vận mệnh đất nước lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi giặc đói, giặc dốt, đặc biệt là giặc ngoại xâm đang đe dọa nghiêm trọng nền độc lập, tự do của dân tộc.
Với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm nguy, từng bước tiến lên. Song, với dã tâm “cướp nước ta một lần nữa”, thực dân Pháp đã liên tục gấy hấn ở nhiều nơi, tạo cớ phát động chiến tranh ra toàn quốc.
Đứng trước sự tồn vong của dân tộc, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đáp lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, cả dân tộc ta đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến đánh đuổi kẻ thù xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong thời gian tới, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những biến động to lớn, phức tạp và khó lường. Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục diễn ra với tần suất và cường độ chưa từng có trong lịch sử, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của các quốc gia.
Đối với Việt Nam, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nặng nề, đặc biệt là những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai và đại dịch Covid-19 gây ra.
Vì vậy, việc vận dụng bài học trong lãnh đạo toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ứng phó kịp thời, hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng và cấp thiết hiện nay. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; dự báo, đánh giá đúng tình hình, đề ra quyết sách phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống kịp thời, hiệu quả.
Đây là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và còn nguyên giá trị vận dụng trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống hiện nay. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ sự nguy hại và sớm có những chủ trương, chính sách quan trọng để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Đại hội XI của Đảng (2011) xác định: Chủ động ngăn chặn và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đại hội XII (2016), Đảng ta nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới. Vì vậy, phải chủ động và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là tình hình tội phạm, thiên tai, dịch bệnh, Đại hội XIII của Đảng (2021) xác định việc bảo đảm an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân; coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường sống và “bảo đảm an ninh con người”.
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN. |
Đồng thời nhấn mạnh: “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”2. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Hai là, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn là chính, đồng thời ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, do nắm chắc âm mưu, dã tâm đen tối quyết tâm cướp nước ta một lần nữa của chúng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra đường lối kháng chiến, kiến quốc đúng đắn, sáng tạo, tranh thủ tối đa thời gian hòa hoãn để làm tốt mọi công tác chuẩn bị, chủ động đưa cả nước bước vào cuộc kháng chiến, đẩy kẻ thù vào thế bị động, bất ngờ, tạo tiền đề để kháng chiến thắng lợi.
Hiện nay, mặc dù các mối đe dọa an ninh phi truyền thống luôn diễn ra hết sức phức tạp, gây ra hậu quả rất nặng nề và kéo dài, nhưng vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, chưa thấy rõ các nguy cơ, hậu quả do chúng gây ra nên ý thức, tinh thần chủ động, công tác chuẩn bị để phòng ngừa, ứng phó còn chủ quan, bị động; sự phối hợp giữa các tổ chức, lực lượng khi xảy ra tình huống còn lúng túng, thiếu hiệu quả.
Do đó, Đảng, Nhà nước ta xác định, lấy “chủ động phòng ngừa là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”3. Đồng thời, tích cực chuẩn bị và ứng phó kịp thời, hiệu quả với những tác động của nó, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Đặc biệt, trong phòng chống đại dịch Covid-19 hiện nay, cần tiếp tục thực hiện triệt để phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên nguyên tắc: 5K + vắc xin + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác… coi đây là chìa khóa then chốt để chúng ta chiến thắng đại dịch.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện chính là yếu tố quan trọng nhất để đất nước ta vượt qua thử thách ngặt nghèo sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Hiện nay, phòng ngừa, ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống là vấn đề chiến lược, đặc biệt hệ trọng của an ninh quốc gia, là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn xã hội với sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Đặc biệt, phải xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”; mỗi người dân phải thật sự là “chiến sĩ”; người dân phải thật sự là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Đồng thời, chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, lực lượng, nhất là các cơ quan, tổ chức, lực lượng quản lý chuyên trách trong nghiên cứu chuyên sâu, tham mưu và tổ chức phòng ngừa, ứng phó với vấn đề an ninh phi truyền thống. Đặc biệt chú trọng phát huy vai trò nòng cốt, thế mạnh về lực lượng, phương tiện, trình độ tổ chức, tính kỷ luật, khả năng cơ động, phản ứng, thực hiện nhiệm vụ trong những điều kiện khó khăn, phức tạp của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
Điều này được thể hiện rõ nét trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, ở cả 4 giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát với tính chất, mức độ, đặc thù khu vực khác nhau, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, “giúp dân là mệnh lệnh trái tim của cán bộ, chiến sĩ”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, “xông thẳng” vào tâm dịch, hỗ trợ địa phương và nhân dân cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chỉ tính riêng đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Bộ Quốc phòng đã tăng cường gần 140.000 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ở phía Nam phòng, chống dịch, thực hiện những nhiệm vụ chưa có tiền lệ, góp phần cùng toàn Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và hiện nay là thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Bốn là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa vạch trần dã tâm đen tối của thực dân Pháp và chiến tranh xâm lược phi nghĩa của chúng; vừa nói rõ cho quốc dân đồng bào và toàn thế giới biết lý do vì sao ta phải đứng dậy đấu tranh và tính chất chính nghĩa của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Do đó, càng về cuối cuộc kháng chiến, chúng ta càng nhận được nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, điều này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hiện nay: “Thế giới đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương như: Bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về dân số, đẩy lùi những dịch bệnh hiểm nghèo, chống tội phạm quốc tế...”4.
Do đó, phải tích cực, chủ động tham gia các cơ chế hợp tác an ninh song phương và đa phương trên cơ sở tối đa hóa trong bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Tăng cường hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia; tội phạm công nghệ cao; tội phạm ma túy; an ninh hàng hải, hàng không, an ninh nguồn nước...
Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao vắc xin để đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng, độ bao phủ vắc xin cho toàn dân, tích cực hợp tác nghiên cứu, sản xuất và tham gia vào chuỗi cung ứng vắc xin toàn cầu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực, hỗ trợ trang thiết bị y tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế công cộng..., góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam.
Đây là những vấn đề rất cấp bách trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở nước ta hiện nay.
-----------------------
1- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 27.
2, 3 - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H, 2021, tr. 156.
4- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 65.
Thượng tá, TS BÙI ĐÌNH TIỆP, Khoa Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị
0 Nhận xét