Chủ nghĩa khủng bố ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới

 


Chủ nghĩa khủng bố ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới (ndh.vn)

Trọng Đại (Theo Investopedia)Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Mỹ, Bangladesh, Iraq, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số hơn 7.000 vụ việc được ghi nhận trong giai đoạn từ ngày 13/11/2015, thời điểm xảy ra vụ tấn công tại Pháp, cho đến tháng 7/2016. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp tại Mỹ đã và đang phải đối mặt với nguy cơ đe dọa khủng bố toàn cầu, ít nhất là từ năm 2001, và mức độ nghiêm trọng ngày một gia tăng.

Trong khi thiệt hại về mặt con người là không thể đong đếm hết, những ảnh hưởng kinh tế cũng không hề nhỏ. Sau đây là 5 cách mà các thế lực khủng bố có thể gây ảnh hưởng lên kinh tế thế giới.

Phá hoại kinh tế trực tiếp

Những tác động ngay lập tức có thể thấy sau các vụ khủng bố đó chính là sự tàn phá khủng khiếp. Các nhóm khủng bố cho phá huỷ nhà máy, hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thậm chí là cướp đi sinh mạng của các công nhân và làm tổn hại nhiều nguồn lực kinh tế khác.

Trên quy mô nhỏ hơn, những kẻ khủng bố có thể cho nổ tung các cửa hàng cafe, nhà thờ và đường xá. Những vụ tấn công có quy mô lớn hơn, nổi tiếng nhất là vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD và cướp đi một bộ phận không nhỏ người lao động - những người vẫn hàng ngày đóng góp cho nền kinh tế. 

Khủng bố và chiến tranh thường có tác động tiêu cực lên nền kinh tế, rõ ràng nhất là từ sự tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Các nguồn lực kinh tế, ví dụ như người lao động, góp phần tạo ra hàng hoá, dịch vụ, đều bị phá huỷ, trong khi nhiều nguồn lực khác lại được chuyển đổi công năng nhằm nâng cao năng lực phòng thủ và sức mạnh quân sự.

Không một điều nào có thể giúp tạo ra thêm của cải hoặc cải thiện mức sống của người dân, cho dù chi tiêu quân sự thường được coi là một phương pháp thúc đẩy kinh tế. Đó là “một sai lầm” thường được nhắc tới bởi các chuyên gia kinh tế. 


Gia tăng sự bất ổn trên thị trường

Ngay cả khi sống ở nơi rất xa những điểm nóng khủng bố trên thế giới, bạn vẫn có thể cảm nhận được những ảnh hưởng một cách gián tiếp. Đó là vì tất cả thị trường đều không ưa sự bất ổn, và khủng bố lại là nguồn cơn cho sự bất ổn đó. Nhiều thị trường tài chính đã phải đóng cửa sau ngày 11/9/2001, và chỉ có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2003, vài tháng sau khi Mỹ cho quân tiến vào Iraq. 

Có không ít tranh luận về mức độ lan tỏa của những tác động thực tế sau các vụ khủng bố lên các thị trường tài chính. Khi những mối đe dọa từ các thế lực khủng bố toàn cầu tiếp tục tăng lên, các thị trường sẽ trở nên “lỳ đòn” hơn. Các chỉ số chứng khoán không giảm quá sâu sau vụ khủng bố tại Paris, cướp đi sinh mạng của 129 người vào năm 2015. 

Tuy nhiên, vụ tấn công đẫm máu tại Nice vào năm 2016 lại làm gia tăng tâm lý Pháp không phải là một quốc gia hoàn hảo để sống và kinh doanh. Lời đe dọa từ các nhóm khủng bố toàn cầu dưới góc nhìn nhà đầu tư là bức tranh toàn cảnh lớn hơn rất nhiều, không phải là vụ việc đơn lẻ. Các khoản đầu tư và mức độ hợp tác toàn cầu sẽ chắc chắn sẽ thấp hơn nếu như thế giới này đầy rẫy nguy cơ khủng bố. 

Bảo hiểm, thương mại, du lịch và FDI

Hai ngành dễ bị tổn thương trước những tác động của khủng bố là bảo hiểm và du lịch. Không phải tất cả các khoản chi trả của công ty bảo hiểm đều xảy ra trong thời điểm một vụ tấn công khủng bố quốc tế hoặc chiến tranh, do đó tác động có vẻ không lớn như thoạt nghĩ. Tuy nhiên, khủng bố là một rủi ro đối với tất cả mọi người, và các công ty bảo hiểm cũng không ưa gì rủi ro cả. 

Du lịch thậm chí còn đáng ngại hơn. Tại Pháp, du lịch chiếm khoảng từ 7% đến 8% GDP. Vanguelis Panayotis, giám đốc công ty tư vấn lữ hành MKG, chia sẻ với Reuters rằng ông ước tính số lượng du khách tới Pháp đã giảm 30% trong tháng ngay sau vụ tấn công tại Nice. 

Trên một bình diện lớn hơn, khủng bố tác động tiêu cực lên thương mại toàn cầu. Điều này có thể là do những lời đe dọa tấn công tiềm tàng lên các cung đường thương mại hoặc hệ thống phân phối, hoặc cũng có thể đến từ những phản ứng tâm lý và vật lý đối với khủng bố. Điều đó cũng có nghĩa dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng sẽ ít chảy vào các quốc gia kém ổn định. 

'Chiến tranh là sức mạnh của chính quyền'

Có một quan niệm kinh tế chính trị rằng “chiến tranh là sức mạnh của chính quyền”. Điều đó có nghĩa trong suốt thời chiến, các chính phủ và người dân có xu hướng từ bỏ sự tự do kinh tế và chính trị để đổi lấy sự an toàn. Điều này có thể dẫn tới việc tăng thuế, tăng thâm hụt chính phủ và lạm phát cao hơn. Cũng trong thời gian đó, chính phủ thường áp dụng các biện pháp kiểm soát giá và đôi khi là quốc hữu hoá các ngành. 

Chính phủ thường quản lý nguồn lực kém hiệu quả hơn đối với các hoạt động kinh tế so với các đơn vị tư nhân, đặc biệt là khi những nguồn lực đó được tập hợp để đạt được mục tiêu quân sự chiến lược. Khi các chính phủ quân sự hóa, lĩnh vực kinh tế tư nhân sẽ bị ảnh hưởng. Nhà kinh tế học kiêm nhà sử học Robert Higgs đã từng nói trong cuốn sách "Crisis and Leviathan” rằng nhiều biện pháp kiểm soát của chính phủ tồn tại trong một khoảng thời gian dài sau khi các chiến dịch quân sự kết thúc. 

Gia tăng chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại

Rủi ro cuối cùng đối với nền kinh tế đó chính là rủi ro chính trị. Điều này đã xảy ra đối với Mỹ và với Pháp trong năm 2016, khi làn sóng bài trừ văn hoá, doanh nghiệp, người lao động và người tị nạn nước ngoài trỗi dậy. Chủ nghĩa dân tuý giành chiến thắng vang dội tại Anh, khi tư tưởng bài trừ toàn cầu hoá và thương mại đã giúp Brexit trở thành hiện thực. Những sự kiện chính trị trên gây ra một sự bất ổn lớn đối với các đồng tiền nội địa, tình hình thương mại và quan hệ ngoại giao. 

Việc đóng cửa biên giới đối với thương mại quốc tế và người di cư khiến cho quy mô và sự đa dạng các giao dịch kinh tế giảm sút, đồng thời hạn chế các nguồn lực sản xuất. Các nhà kinh tế học như Adam Smith đã chứng minh rằng sự phân chia lao động và thặng dư thương mại bị hạn chế đối với sự sẵn có của các yếu tố sản xuất.

Chỉ một hộ gia đình hoặc một thị trấn sẽ không thể sản xuất và kinh doanh hiệu quả nếu chỉ dựa vào những nguồn lực nội sinh, và nền kinh tế của một quốc gia cũng vậy. Nền kinh tế sẽ không thể mở rộng nếu như họ tự rào cản mình với các nhà sản xuất và người tiêu dùng nước ngoài. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement