Chủ nghĩa khủng bố: Nỗi ám ảnh của nhân loại

Chủ nghĩa khủng bố: Nỗi ám ảnh của nhân loại - Hànộimới (hanoimoi.com.vn) 

Trong rất nhiều nguy cơ an ninh phi truyền thống, khủng bố hiện nằm trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sự an toàn của loài người. Chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng về quy mô, biến tướng thành nhiều hình thức, phức tạp và ngày càng khó kiểm soát.


Chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng trên toàn cầu, trở thành mối đe dọa lớn cho an ninh của nhân loại.

Những con số biết nói

Trước những tội ác liên tiếp có mức độ nghiêm trọng và phạm vi toàn cầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhiều người cho rằng đây là nhóm khủng bố tàn ác nhất thế giới. Tuy nhiên, một thống kê mới đây cho thấy phiến quân Boko Haram ở Nigeria mới là nhóm sát hại nhiều người nhất thế giới.

Theo báo cáo Chỉ số Khủng bố toàn cầu do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) tại New York công bố ngày 18/11, Boko Haram, nhóm Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc Nigeria, đã giết hại 6.644 người trong năm 2014, nhiều hơn so với con số 6.073 người chết dưới tay IS. Con số này đã tăng 317% so với năm ngoái.

Boko Haram là băng nhóm khủng bố tàn ác khét tiếng ở Nigeria. Cái tên “Boko Haram” có nghĩa rằng “giáo dục phương Tây là tội lỗi đáng nguyền rủa”. Nhóm này đã thu hút được sự chú ý lớn từ quốc tế thông qua những chiến dịch tấn công trường học, bắt cóc hàng trăm bé gái.

Tháng Tư năm ngoái, khoảng 276 nữ sinh đã bị chúng bắt cóc từ trường học ở Chibok thuộc bang Borno, Nigeria . Vụ việc này đã gây chấn động dư luận, mở ra phong trào "Bring back our girls"  (Hãy trả lại các bé gái của chúng tôi) rầm rộ trên mạng xã hội.

Boko Haram cũng đã tiến hành chiến dịch đánh bom tàn khốc đối với các khu chợ ở Nigeria. Tuần này, chỉ trong vòng 24 giờ, đất nước này đã bị rung động bởi 2 vụ nổ bom liên tiếp, làm chết ít nhất 32 người ở thành phố Yola và 15 người ở thành phố Kano. Trong số những thủ phạm của các vụ tấn công, có một bé gái mới chỉ 11 tuổi.

Các chiến dịch khủng bố của Boko Haram đã khiến cho đất nước Nigeria phải bất lực chứng kiến số người thiệt mạng vì khủng bố tăng liên tục năm này qua năm khác, với 7.512 người chết năm 2014, tăng hơn 300% so với 2013.

Trên phạm vi toàn cầu, số người thiệt mạng do khủng bố đã tăng cao đột biến trong năm 2014 (tăng tới 80% so với năm 2013). Tổng cộng, đã có 32.658 người bị giết trong các vụ tấn công khủng bố năm ngoái, cao gấp 9 lần so với năm 2000.

Mặc dù Taliban được xem là nhóm khủng bố tàn sát nhiều người nhất vào năm 2013, nhưng đến năm 2014, nhóm này chỉ đứng thứ 3 (3.477 người), xếp sau IS, theo báo cáo của IEP.

Khủng bố ngày càng lan rộng

Iraq tiếp tục là quốc gia bị khủng bố nặng nề nhất, với 9.929 người bị sát hại năm ngoái, đây là con số thiệt mạng do khủng bố cao nhất tại một quốc gia.

Tiếp theo sau Iraq là các quốc gia Nigeria, Afghanistan, Pakistan và Syria. Gần 3/4 (78%) số người chết do khủng bố là ở các quốc gia này, mặc dù các nhóm khủng bố đang mở rộng phạm vi tấn công ra nhiều khu vực, châu lục trên thế giới.

Số quốc gia có hơn 500 người chết vì khủng bố đã tăng từ 5 lên 11 chỉ trong năm 2013. 6 quốc gia mới trong danh sách này là Somalia, Ukraine, Yemen, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cameroon.

Theo báo cáo của IEP, Ukraine cũng có mặt trong danh sách trên sau vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia bị tên lửa bắn rơi ở phía Đông nước này, làm toàn bộ 289 hành khách trên máy bay thiệt mạng. 

Hầu hết các vụ tấn công khủng bố chết người không diễn ra ở phương Tây. Không tính vụ khủng bố 9/11, kể từ năm 2000 cho đến nay, ở phương Tây chỉ có 0,5% số người chết vì khủng bố.

Mặt khác, thực hiện những vụ tấn công ở phương Tây chủ yếu là những “con sói cô độc”, thủ phạm của 70% số người chết từ năm 2006. Đa phần những “con sói cô độc” này là những phần tử chính trị cực đoan, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, những kẻ phân biệt chủng tộc, vả cả những tín đồ Hồi giáo chính thống.

Tác động đối với kinh tế

Báo cáo của IEP cho hay, tổng chi phí toàn cầu cho cuộc chiến chống khủng bố năm ngoái đã lên đến mức cao nhất trong lịch sử, với 52.9 tỷ USD. Con số này cao hơn 61% so với năm 2013 (32.9 tỷ USD) và gấp hơn 10 lần so với năm 2000.

Để đánh giá mức độ thiệt hại do khủng bố, IEP đã tính toán các giá trị thiệt hại về tài sản từ các vụ đánh bom liều chế, các chi phí tổn thất do số người chết và bị thương, bao gồm cả chi phí chăm sóc y tế và các khoản thu nhập bị mất. Tuy nhiên, tính toàn này không bao gồm việc tăng số lượng nhân viên bảo vệ, phí bảo hiểm cao hơn, hoặc tắc nghẽn giao thông thành phố do những hậu quả của một cuộc tấn công.

Số liệu báo cáo này chưa bao gồm các tác động từ vụ khủng bố hôm thứ Sáu ngày 13/11 tại thủ đô Paris (Pháp). Con số tổn thất từ vụ khủng bố này sẽ được định lượng trong nghiên cứu vào năm tới.

Nguyên nhân cùa khủng bố?

Bạo lực và xung đột chính trị là hai nguồn gốc căn bản dẫn đến khủng bố. Từ năm 1989 đến năm 2014, 92% các cuộc tấn công khủng bố diễn ra ở những nơi mà bạo lực chính trị có sự tài trợ của nhà nước lan rộng.

Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế - xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng của khủng bố tại các nước phát triển, trong đó, sự thiếu cố kết xã hội là một nhân tố quan trọng dẫn đến khủng bố. Trong khi đó, tại những nước đang phát triển, các nhân tố chính lại là mâu thuẫn trong nước, các yếu tố chính trị và tham nhũng.

Những nhân tố chính trị - xã hội rõ ràng đã thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố phát triển, khiến nó trở thành nỗi ám ảnh của cả thế giới, đe dọa an ninh, kinh tế và sự phát triển của nhân loại. Do đó, việc giải quyết vấn đề từ cội rễ bằng cách triển khai những chính sách nhằm giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội trong nước là vô cùng quan trọng.

Theo Steve Killelea, người sáng lập Viện Kinh tế và Hòa bình, điều này bao gồm việc giảm các hoạt động bạo lực có sự tài trợ của nhà nước, xoa dịu các mối bất bình và cải thiện các vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, trong khi tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code

Responsive Advertisement